Sau khi Tòa sở thẩm buộc 8 học viên ở Đà Nẵng được cử đi đào tạo ở nước ngoài theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) bồi hoàn hơn 12 tỷ đồng vì vi phạm hợp đồng, cả 8 trường hợp này đều làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Trong khi đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ khởi kiện ra tòa những người thụ hưởng chính sách thu hút nhân tài nhưng không thực hiện đúng cam kết.

Sau nhiều lần trao đổi không tìm được tiếng nói chung, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng đã khởi kiện ra tòa 16 học viên vi phạm hợp đồng của Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong số này có 7 trường hợp đã đưa ra xét sơ thẩm cấp thành phố, 1 trường hợp cấp quận.
khoi_kien_gqwk.jpg
Ông Nguyễn Văn Chiến -Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Những người này được thành phố Đà Nẵng đưa đi đào tạo Đại học và sau Đại học theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) nhưng không quay về phục vụ cho địa phương. Sau khi thua kiện tại phiên tòa sơ thẩm, gia đình các học viên đã làm đơn kháng cáo.

Ông Huỳnh Bửu, cha của Huỳnh Văn Long đang theo học Tiến sỹ tại trường Đại học Nottingham, Vương quốc Anh cho biết: con trai ông được tham gia Đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” theo học tại trường đại học Nottingham, Vương quốc Anh, thời gian học 4 năm, bắt đầu từ tháng 9/2010.

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa, ngành Kỹ sư xây dựng dân dụng và môi trường tại trường Đại học Nottingham, Vương quốc Anh, cộng với thành tích học tập xuất sắc 4 năm liên tiếp, Long được cấp học bổng học tiếp 3 năm tiến sỹ không qua thạc sỹ. Ông làm đơn xin gia hạn cho Long học thêm 3 năm với cam kết sau khi bảo vệ tiến sỹ con ông sẽ về làm việc cho thành phố nhưng không được chấp thuận.

Tại phiên sơ thẩm, tòa tuyên con ông phải bồi hoàn 2,7 tỷ đồng kinh phí đào tạo cho thành phố. Ông Huỳnh Bửu cho rằng, với lương hưu của vợ chồng mình hiện nay không thể trả 1 lần nên mong muốn được trả mỗi tháng 10 triệu đồng: Hiện nay lương hưu tôi có 4 triệu thôi, vợ tôi lương hơn 9 triệu đồng cho nên gia đình có nguyện vọng trước mắt trả 10 triệu/1 tháng đến khi con ra trường có điều kiện trả cao hơn, chứ bây giờ trả một lần thì gia đình không có khả năng.

Năm nay, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng đã khởi kiện 16 trường hợp vi phạm hợp đồng. Trong đó, 8 trường hợp vừa  được Tòa xét xử buộc hoàn trả hơn 12 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng cho biết: Đến ngày 30/10/2015, có 46 trong tổng số 73 học viên vi phạm hợp đồng đã bồi thường kinh phí đào tạo cho thành phố. Quá trình thu hồi kinh phí cũng gặp khó khăn do đa số học viên vi phạm hợp đồng hiện đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.

Ông Chiến nói: “Gia đình họ kháng cáo, mình cũng chờ tòa phúc thẩm thôi. Toàn phúc thẩm tuyên án như thế nào chúng ta phải chấp hành. Với một số gia đình, họ sẽ chấp hành và có khả năng thi hành án nhưng với một số gia đình có tính toán từ trước nên cũng khó thu hồi…”.

Đề án 922 được thành phố Đà Nẵng triển khai từ năm 2004 nhằm tạo  nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một trong những giải pháp đột phá của thành phố này. Vì vậy, những năm qua, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp nhưng thành phố vẫn dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho học sinh, sinh viên học tập xuất sắc đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài nhằm tạo dựng đội ngũ cán bộ trẻ, chất lượng cao. Trong số 630 lượt học viên được cử đi học đã có 394 lượt tốt nghiệp, 359 người về nhận công tác tại các cơ quan, sở, ban ngành của thành phố, bước đầu đã phát huy tốt năng lực, sở trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Thông báo về việc kháng cáo của Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng

Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Quan điểm của thành phố rất rõ ràng, những trường hợp không thực hiện đúng cam kết cũng phải giải quyết theo các quy định của pháp luật.

Ông Trí nói: “Quan điểm của thành phố cũng phải rõ ràng và thực hiện đúng cam kết. Nếu không thực hiện đúng cam kết buộc phải giải quyết bằng pháp luật. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện Đề án này nhưng gắn đào tạo, bồi dưỡng với thu hút và bố trí sử dụng. Vừa qua, một số em cũng nói rằng bố trí công việc chưa phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Chúng tôi sẽ lắng nghe và có điều chính nhất định”.

Tiếp sau thành phố Đà Nẵng, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định sẽ khởi kiện ra tòa đối với những người đã nhận các chế độ hỗ trợ đào tạo theo diện thu hút “nhân tài” nhưng không giữ đúng cam kết.

Từ cuối năm 2007 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã tuyển chọn hơn 340 học sinh, sinh viên xuất sắc để hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng đưa đi đào tạo với cam kết sau khi ra trường sẽ về công tác tại địa phương. Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiều lần sửa đổi Nghị quyết nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng này. Hiện vẫn còn 116 sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, hoặc làm việc tại các đơn vị, cơ quan không thuộc tỉnh.

Ông Văn Ngọc Sen, Trưởng phòng Quản lý Cán bộ- Công chức- Đào tạo, Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để các cơ quan, đơn vị ký hợp đồng lao động với các sinh viên đã ra trường. Trong trường hợp không chấp nhận bố trí công tác hoặc làm việc không đúng với cam kết, thôi học giữa chừng, bị đuổi học thì sẽ phải bồi thường khoản kinh phí đã được hỗ trợ. Trường hợp không bồi thường như đã cam kết Giám đốc Sở Nội vụ sẽ khởi kiện ra tòa theo ủy quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Xem ra câu chuyện khởi kiện những người được cử đi học vi phạm hợp đồng ở các địa phương  vẫn chưa có hồi kết./.