Việc các học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên được đưa đi đào tạo đại học và sau đại học ở nước ngoài từ nguồn ngân sách của Nhà nước quá hạn cam kết không trở về nước công tác đang là nỗi lo chung của nhiều địa phương, đơn vị.

Trường hợp 7 “nhân tài” vừa bị TP Đà Nẵng khởi kiện, buộc hoàn trả hơn 10 tỷ đồng cho ngân sách thành phố, do vi phạm hợp đồng khi tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (gọi tắt là Đề án 922) của TP Đà Nẵng là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo công bằng trong việc thực thi chính sách thu hút người tài.

danang_nxae.jpg
Ảnh minh họa.

Sau 1 tuần ra “hầu tòa” vì con trai vi phạm hợp đồng của Đề án 922, vợ chồng ông Huỳnh Bửu (thân sinh của Huỳnh Văn Long đang theo học Tiến sỹ tại trường Đại học Nottingham, Vương quốc Anh) lo lắng đến mất ăn, mất ngủ.

Với lương hưu của 2 vợ chồng, mỗi tháng chỉ hơn 10 triệu đồng, họ không biết xoay xở cách nào cho đủ gần 2,7 tỷ đồng hoàn trả cho Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng như phiên sơ thẩm đã phán quyết.

Ông Bửu cho biết, con trai ông được TP Đà Nẵng phê duyệt tham gia Đề án 922, ngành kỹ sư xây dựng và dân dụng môi trường tại trường đại học Nottingham, thời gian học 4 năm, bắt đầu từ tháng 9/2010.

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa tại trường này, cộng với thành tích học tập xuất sắc 4 năm liên tiếp, Long được nhà trường cấp học bổng học tiếp tiến sỹ không qua thạc sỹ.

Ông làm đơn xin gia hạn cho con học thêm 3 năm với cam kết sau khi bảo vệ thành công tiến sỹ, con ông sẽ về làm việc cho thành phố nhưng không được chấp thuận.

Ông Huỳnh Bửu giải thích: “Vừa rồi ra tòa, gia đình cũng mong muốn tiếp tục là học viên của Đề án, để sau khi học tiến sỹ về, Long sẽ phục vụ cho thành phố. Nếu trường hợp thành phố vẫn cứng nhắc thì cho phép gia đình được trả nợ chậm 10 triệu đồng/tháng”.

7 học viên bị khởi kiện lần này nằm trong số 630 học viên được TP Đà Nẵng đưa đi đào tạo đại học và sau đại học thuộc Đề án 922 nhưng không quay về phục vụ thành phố theo như cam kết ban đầu.

Ông Nguyễn Đình Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng cho rằng, việc đưa “nhân tài” ra khởi kiện là chuyện “bất đắc dĩ”. Trước đó, trung tâm đã nhiều lần làm việc với học viên và gia đình để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Trung tâm đã đề nghị phía học viên thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng nhưng rồi không tìm được tiếng nói chung.

Ông Nguyễn Đình Thuận nói: “Đây là những trường hợp cố tình chây ì không chịu hoàn trả lại kinh phí cho thành phố. Có những trường hợp kéo dài đã lâu. Hơn 2 năm vừa rồi là thời gian làm việc giữa trung tâm và các gia đình để thống nhất với nhau nhưng cuối cùng không tìm được tiếng nói chung, nên buộc trung tâm phải khởi kiện”.

Đề án 922 được TP Đà Nẵng triển khai từ năm 2004 nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đây là một trong 5 mũi nhọn tạo sự đột phá của thành phố này. Nhiều năm qua, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp nhưng thành phố vẫn dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho học sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài với hy vọng tạo dựng một đội ngũ cán bộ, công chức trẻ  chất lượng cao.

Trong số 630 lượt học viên được cử đi học đã có 394 lượt tốt nghiệp, 359 người đã về nhận công tác tại các cơ quan, sở, ban ngành của thành phố.

Hầu hết các học viên đã phát huy tốt năng lực, sở trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 67  trường hợp vì nhiều lý do khác nhau không trở về nước, hoặc tự ý bỏ việc, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ghi trong hợp đồng tham gia Đề án.

Đáng lưu ý, có đến 20 trường hợp kết quả học tập không đạt yêu cầu, 27 trường hợp làm đơn xin rút khỏi Đề án, số còn lại không trở về nước, không nhận nhiệm vụ, tự ý bỏ việc.

Hàng trăm tỷ đồng mà TP Đà Nẵng dành cho Đề án 922 để đào tạo nhân tài đang có nguy cơ mất cả tiền lẫn người.

Ông Đoàn Gia Dũng - Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ Đại học Đà Nẵng cho biết: Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm Đại học Đà Nẵng có hơn 400 cán bộ, giảng viên được cử đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, chủ yếu ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, học bổng của đối tác, hợp tác song phương, và học bổng tự kiếm khác …

Nhiều giảng viên được đầu tư cả nửa tỷ đồng mỗi năm nhưng khi học xong thạc sỹ, tiến sỹ lại không trở về trường làm việc như đã cam kết.

Đến thời điểm này, 18 giảng viên của Đại học Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp chưa chịu về nước. Trường đã xử lý kỷ luật và cho thôi việc 6 trường hợp, yêu cầu những người đi học theo đền án phải hoàn trả lại toàn bộ kinh phí. Tuy nhiên, việc xử lý giảng viên vi phạm đang gặp rất nhiều khó khăn.

TP Đà Nẵng khởi kiện “nhân tài” vi phạm Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng là điều không ai muốn. Tuy nhiên, đưa nhau ra tòa cũng là việc làm cần thiết. Nếu không tuân thủ các cam kết ghi trong hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đó là điều hiển nhiên./.