Năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018) tiếp tục triển khai đối với lớp 3,7,10. Trong đó, chương trình lớp 10 THPT được đánh giá là có những khác biệt căn bản đối với các lớp học ở bậc tiểu học, THCS trong việc thiết kế môn học khi học sinh được lựa chọn các môn học theo sở thích.
Cụ thể, học sinh lớp 10 sẽ học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh còn chọn học năm môn khác từ ba nhóm môn, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn: Nhóm Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm Khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật…
Như vậy, theo lý thuyết, nếu để học sinh được toàn quyền lựa chọn các môn học theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới, tức là chọn 5/9 môn có điều kiện thì sẽ có khoảng 80 - 100 tổ hợp môn lựa chọn và điều này khiến các trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi triển khai.
Ngày 23/3, trong chương trình Diễn đàn VOV2, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, ông không bất ngờ khi về lý thuyết có đến hàng trăm tổ hợp môn lựa chọn khi triển khai chương trình lớp 10 bởi khi thiết kế các môn học, các chuyên gia toán học đã dự báo về điều này.
“Không phải bây giờ mới tính được về mặt lý thuyết sẽ có bao nhiêu tổ hợp. Nhưng trong tính toán, chúng tôi xác định 2 dữ kiện quan trọng là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế", GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Cụ thể hơn, tác giả Chương trình giáo dục phổ thông mới gợi ý, học sinh chọn học các chuyên đề của 3 môn học phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của mình, ví dụ Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục Kinh tế và pháp luật. Ngoài ra, các em có thể chọn thêm 2 môn học ở nhóm khác như Sinh học, Tin học (hoặc Công nghệ, Âm nhạc).
Về phía nhà trường, cách đơn giản nhất là tổ chức các lớp học cố định để học các môn học bắt buộc như trước nay. Thứ hai, tổ chức các lớp học chuyên đề và xác định sĩ số mỗi lớp theo đúng quy định. Nếu sĩ số đăng ký vượt với sĩ số lớp học theo quy định thì học sinh chuyển sang nguyện vọng 2. Căn cứ để xếp học sinh nguyện vọng 1 là “độ dốc” của điểm thi đầu vào lớp 10 THPT hoặc điểm tổng kết môn học đó ở THCS.
“Như vậy, trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế”, ông Thuyết nhấn mạnh.
Đối với hai môn học rất mới của bậc THPT là Âm nhạc và Mỹ thuật, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có thể hiện tại nhu cầu lựa chọn học hai môn này chưa cao nhưng trong tương lai có thể nhiều học sinh sẽ quan tâm. Do vậy, chương trình phải đón đầu xu hướng để tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn môn học theo năng lực, sở thích của bản thân.
“Để khắc phục khó khăn trước mắt về biên chế giáo viên, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có thể điều động hoặc ký hợp đồng giảng dạy với giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy những môn học này từ các cấp học khác, các trường chuyên nghiệp. Ngành giáo dục cũng có thể cho phép học sinh học những môn này ở các trường chuyên nghiệp trên địa bàn, công nhận kết quả học tập của các em như đối với các môn học ở trường THPT. Dĩ nhiên, nếu không nhiều học sinh địa phương có nguyện vọng học các môn này thì không cần áp dụng các giải pháp nói trên”, GS. Nguyễn Minh Thuyết gợi ý.
Lý giải về sự cần thiết của thiết kế các môn học từ lớp 10 THPT theo hướng học sinh được quyền lựa chọn các môn học theo sở thích, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết điều này nhằm phục vụ định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Ông Thuyết lấy ví dụ, trước đây để thi tuyển vào các ngành như Luật, Kinh tế, Triết học, Tâm lý học, Giáo dục học… học sinh thường tập trung học các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Tuy nhiên, nhiều khi kiến thức ba môn này không thực sự phục vụ cho nghề nghiệp tương lai. Trong khi đó với các môn học mới, học sinh có thể chọn học Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật sẽ phù hợp hơn.
Hoặc nếu học sinh chọn ngành Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh hay Thời trang thường các em cũng phải thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Nhưng với cách thiết kế như hiện nay học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn các môn Ngữ văn, Tin học, Nghệ thuật. Những môn học này gần với nghề nghiệp các em lựa chọn hơn.
“Có những kiến thức dạy ở đại học nhưng thực tế có thể giải quyết ở bậc phổ thông”, GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh./.