Hàng ngàn phần quà gồm sách vở, sữa uống, học bổng đã đến tay trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai sau khi phát động Chương trình “Chia sẻ cùng em thơ - chung tay vượt qua đại dịch”.

Phóng viên Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên đưa tin, hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có gần 28.000 trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, phần lớn là con em người dân tộc thiểu số. Sau một thời gian phát động, đến nay, tỉnh đoàn Gia Lai đã tiếp nhận trên 1.400 quyển vở, gần 1.000 hộp sữa, gần 600 phần quà và học bổng để trao đến các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới.

Các cấp Đoàn, Đội của tỉnh Gia Lai  tổ chức các hoạt động tặng quà, học bổng, thực hiện công trình thiếu nhi cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Anh Đỗ Duy Nam, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai cho biết: “Khi các em bước vào năm học mới, chúng tôi đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tinh thần cho các em. Cùng với đó, chúng tôi phối hợp với các sở, ban, ngành và các mạnh thường quân để hỗ trợ các học bổng, tặng đàn gà, các ngôi nhà khăn quàng đỏ. Làm sao để các em thấy được tổ chức đoàn, tổ chức đội là nơi các em có thể tâm sự và chia sẻ. Việc giúp đỡ các em là các em có niềm tin trong cuộc sống và tham gia học tập tốt”.

Tại TP.HCM, nhằm hỗ trợ điều kiện học tập trực tuyến cho học sinh trong năm học mới, ngành giáo dục và nhiều trường học đang thực hiện các chương trình vận động trang thiết bị thông minh, hỗ trợ đường truyền.

Theo phóng viên Trịnh Giang và Vũ Hường/VOV-TP.HCM, đến nay, nhiều tổ chức, đoàn thể tại TP.HCM đã vận động được khoảng 40.000 thiết bị điện tử đã qua sử dụng từ phụ huynh và nhà hảo tâm. Từ đó, các nhà trường sẽ tiếp nhận, sửa chữa và cài đặt phần mềm phù hợp với việc học trực tuyến để trao cho những em đang thiếu thiết bị học.

Ngoài ra, hơn 30.000 thiết bị khác cũng được kêu gọi từ các chương trình ưu đãi, mua trả góp của ngân hàng, siêu thị điện máy với lãi suất 0 đồng… để hỗ trợ học sinh, phụ huynh trong giai đoạn dịch bệnh.

Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo Quận 8 cho biết thêm: “Sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tại TP.HCM sẽ gửi danh sách các đơn vị cung cấp các thiết bị, giá và chủng loại. Nhà trường sẽ gửi cho phụ huynh chọn lựa với giá ưu đãi dự kiến là 30%”.

Trước đó, nhiều trường tại TP.HCM đã chủ động triển khai các hoạt động kêu gọi ủng hộ thiết bị điện tử để hỗ trợ cho học sinh. Có thể kể tới mô hình "ATM điện thoại thông minh" của Trường THCS Minh Đức (Quận 1) triển khai từ cuối tháng 8/2021 nhằm kêu gọi góp điện thoại thông minh cũ, laptop cũ, tiền để mua điện thoại mới... cho học sinh không đủ thiết bị để học trực tuyến.

Sau 9 ngày vận động, nhà trường đã nhận được 8 thiết bị đã qua sử dụng và hơn 51 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, trường mua mới thêm 26 chiếc điện thoại và trao tận tay các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, tất cả học sinh của trường đều có thiết bị để học trực tuyến.

Theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, năm học 2021-2022, thành phố có hơn 72.000 học sinh (5,3%) không có thiết bị và đường truyền để học trực tuyến, nhiều nhất là bậc Tiểu học với hơn 31.000 em, bậc THCS hơn 26.000 học sinh và THPT hơn 15.000 học sinh.

Sở đã đề xuất thành phố vận động nguồn tài trợ về trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh. Ngành giáo dục thành phố cũng vận động công ty dịch vụ viễn thông tài trợ hoặc cung cấp các gói cước giá rẻ phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh./.