Hành vi đánh nhau ở học sinh thời gian gần đây có hiện tượng gia tăng. Những vụ học sinh đánh nhau “hội đồng” thường xảy ra ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng… với những cách thức tiến hành tàn nhẫn và có dàn xếp. Các em không chỉ đánh nhau mà còn quay camera, tung lên mạng internet. Hành động này đã gây tổn thương về tâm lý, tinh thần cho các bạn cùng trang lứa và gây bức xúc trong xã hội. Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số việc xảy ra cho thấy sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của một bộ phận học sinh hiện nay.

Theo báo cáo của các Sở GD-ĐT, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra 1.598 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Các nhà trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) đối với 735 học sinh.

hoc-sinh-danh-nhau.jpg

Hình ảnh clip nữ sinh trường THPT Trần Nhân Tông đánh nhau tại vườn hoa Pasteur, Hà Nội

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2003 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 10.000 vụ phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên. Tỷ lệ học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên phạm tội và vi phạm pháp luật chiếm khoảng 1/4 tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên toàn quốc. Năm 2009 xảy ra 9.522 vụ, xử lý 14.446 đối tượng (trong đó số vụ cố ý gây thương tích là 1.043 vụ với 2.029 đối tượng).

Nguyên nhân khiến tình trạng học sinh đánh nhau có hiện tượng gia tăng là xuất phát từ đặc điểm tâm lý của một số học sinh muốn tự thể hiện mình, thiếu kỹ năng sống. Cha mẹ ít quan tâm đến con cái, nhà trường còn chưa sát sao trong quản lý, giáo dục lối sống cho học sinh. Nhiều em học sinh bị ảnh hưởng do tiếp xúc với các loại hình văn hoá không lành mạnh, bị lôi cuốn bởi những trò chơi bạo lực, games online…

Học sinh chưa được trang bị tốt về kỹ năng, lối sống

Theo ông Phạm Thanh Đàm, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), để giảm bớt và hạn chế dần tình trạng học sinh đánh nhau thì việc giáo dục về kỹ năng, lối sống cho các em có vai trò hết sức quan trọng.

Học sinh hiện nay chưa được trang bị một cách hệ thống các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với đời sống kinh tế-xã hội có nhiều biến đổi. Những kỹ năng sống cần thiết cho các em như: Kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng kiên định, kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng phó với căng thẳng, giải quyết mâu thuẫn… chưa được các em chú ý rèn luyện. Việc giải quyết các mâu thuẫn trong tuổi học trò thường được các em ứng xử một cách tự phát, thiếu sự kìm chế và có khi sử dụng vũ lực để đạt được ý đồ riêng của mình.

Ở một số nhà trường, quỹ đất, cơ sở vật chất dành cho hoạt động vui chơi lành mạnh của học sinh còn chật hẹp, thiếu thốn, từ đó rất dễ dẫn đến va chạm, mâu thuẫn trong học sinh. Nội dung chương trình giáo dục đạo đức còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn, không gây được sự hứng thú, hấp dẫn đối với học sinh. Ngoài ra, nhận thức của một số lãnh đạo nhà trường về tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực trong học sinh còn chưa sâu dẫn đến tình trạng chưa quan tâm đầy đủ, huy động các nguồn lực cần thiết cho công tác này. Một số nhà trường còn buông lỏng quản lý, không kiểm soát hết được tình trạng học sinh đến trường nhưng bỏ học, bỏ tiết đi chơi, tham gia đánh nhau ở bên ngoài nhà trường.

Ông Phạm Thanh Đàm cho rằng, nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống và đạo đức con người cho học sinh để các em có thể biết xử lý mỗi khi gặp sự cố trong cuộc sống. Từng cơ sở đào tạo cần có thái độ kiên quyết, phê phán công khai và xử lý kỷ luật nghiêm khắc với hành vi đánh nhau của học sinh. Trong đó, đẩy mạnh công tác quản lý chặt chẽ thời gian học sinh học tập tại trường như thành lập “Đội an ninh trường học” nhằm kiểm tra, ngăn chặn tình trạng học sinh đến trường nhưng bỏ học, bỏ tiết ra ngoài chơi điện tử, chát hoặc tham gia đánh nhau. Ngoài ra, các trường cần tăng cường giờ quản lý học sinh của giáo viên chủ nhiệm trong tuần vì hiện nay, thời lượng lên lớp của giáo viên chủ nhiệm chỉ có 4 tiết/tuần.

Các vụ phạm tội do thanh thiếu niên gây ra đang gia tăng (ảnh minh họa)

Cần quản lý chặt chẽ trò chơi games online, sách báo, phim ảnh

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin bên cạnh những mặt tích cực cũng đem lại những tiêu cực cho đời sống xã hội. Giới trẻ ngày nay không còn lạ lẫm với những trò giải trí trên Internet. Một bộ phận thanh niên trở nên “nghiện” các trò chơi điện tử trên Internet. Nhiều em trốn học, bỏ học, lấy trộm tiền của cha mẹ để đi chơi. Thậm chí có những em trấn lột tiền của bạn để đi chơi điện tử. Những bộ phim, trò chơi điện tử mang tính bạo lực là một trong những yếu tố ảnh hưởng xấu đến tính cách của một bộ phận thanh thiếu niên.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau, sắp tới, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các ngành liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đại lý kinh doanh internet có trò chơi games online, các tụ điểm vui chơi, quán bar, karaoke, vũ trường, sách báo, phim ảnh… Tích cực triển khai các biện pháp để xoá bỏ các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự ở gần trường học, đẩy mạnh công tác kiểm tra, ngăn chặn lưu hàn các loại hung khí dùng để đánh nhau.

Sự quan tâm của gia đình đối với con cái là rất quan trọng

Ngoài sự giáo dục từ phía nhà trường và xã hội, việc quan tâm, chăm sóc con cái từ phía từng gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc quản lý thời gian học tập, vui chơi và quan hệ của các em học sinh. Gia đình có trách nhiệm hàng đầu, sau đó mới đến trách nhiệm của nhà trường và xã hội. “Nếu nói về quản lý các em mà là do nhà trường quản lý, vậy ngoài giờ nhà trường thì ai quản lý, định hướng cho các em nếu không phải là gia đình”. Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Văn Tiến, hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, giàu có rất nuông chiều con cái nên các em chỉ biết hưởng thụ, vui chơi mà không cần học tập, lao động và tìm đến những thú vui tiêu khiển trái với chuẩn mực đạo đức từ lối sống, hành vi, phong cách như tụ tập nhau chơi cờ bạc, nghiện heroin, đua xe máy… Và rồi khi không có tiền để thoả mãn những thú chơi của mình, nhiều học sinh, thanh thiếu niên sẵn sàng dùng bạo lực, đâm chém nhau hoặc người khác để có tiền tiêu khiển, thoả mãn những nhu cầu ích kỷ của mình. 

Ngoài ra, sự ảnh hưởng không tốt từ cha mẹ có thể ảnh hưởng tới tâm sinh lý và tính cách của các em vị thành niên. Việc bố mẹ thiếu hiểu biết, ứng xử kém văn hóa, từ cách xưng hô cho đến những hành động cãi lộn, dùng những từ ngữ tục tĩu, thiếu văn hoá sẽ làm trẻ nhiễm theo những thói xấu đó. Ông Hoàng Văn Tiến cho rằng, những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt cần được nhà trường và cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn để các em có thể hoà nhập với những học sinh khác trong việc học tập, hình thành tính cách và lối sống./.