Tại trường THCS Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày 22/11, toàn trường có 4 lớp khối lớp 9 tương đương với 157 em đã trở lại học trực tiếp. Bên cạnh các hoạt động đảm bảo về phòng chống dịch, trường THCS Hạ Bằng còn đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh cuối cấp chuẩn bị thi vào lớp 10.
Thầy Xuân cho rằng, học sinh khối lớp 9 trên toàn thành phố Hà Nội năm nay có những thiệt thòi, khó khăn khi trải qua 2 năm liền có thời gian dài học trực tuyến, không được đến trường. Để đảm bảo kiến thức cho học sinh, thời gian qua trường THCS Hạ Bằng ưu tiên bố trí các giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy khối lớp 9.
“Thời gian học trực tuyến, mỗi tiết học giáo viên đều mất một khoảng thời gian nhất định để ổn định lớp, thời gian thực học chỉ còn khoảng 30-35 phút. Để đảm bảo kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp, các thầy cô giáo dạy các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ đã tự nguyện dạy bổ trợ miễn phí vào buổi chiều cho các em. Trong thời gian này, chúng tôi tiếp tục duy trì việc học bổ trợ miễn phí vào buổi chiều với học sinh lớp 9, rà soát, phân loại, đánh giá học lực học sinh để có kế hoạch ôn tập phù hợp với từng em”, thầy Xuân cho biết.
Thầy Nguyễn Văn Lãm, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội cũng cho biết, toàn trường có 6 lớp 9 với 237 học sinh đã đến trường học trực tiếp từ ngày 22/11. Còn lại 3 học sinh cư trú tại xã đang có F0 nên tiếp tục học trực tuyến. Để đảm bảo học sinh chưa thể đến trường có thể theo kịp chương trình của các bạn học trực tiếp, trường THCS Bình Phú đã lắp đặt camera ngay tại lớp học để học sinh tiện theo dõi và học tại nhà.
Theo thầy Nguyễn Văn Lãm, việc tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường cũng khiến một số phụ huynh e ngại. Do đó, ngay tối ngày 21/11, trường đã tổ chức họp phụ huynh trực tuyến để giải đáp các thắc mắc của phụ huynh và phổ biến kế hoạch dạy và học trực tiếp để phụ huynh yên tâm đưa con đến trường.
Về kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9, thầy Nguyễn Văn Lãm cho hay, trong thời gian tới, trường tiếp tục tiến hành rà soát những học sinh chưa theo kịp chương trình để tổ chức dạy phụ đạo, tiếp đó tiến hành vừa ôn tập chương trình đã học, vừa học chương trình mới.
Tại trường THCS Đông Dư (huyện Gia Lâm, Hà Nội), cô Hoàng Thị Chuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày 22/11, 90 học sinh ở 2 lớp 9 đã trở lại trường học trực tiếp. “Sau nhiều tháng học trực tuyến, ngày đầu đến trường, cả thầy cô và học sinh đều rất vui mừng, mong mỏi. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn khó lường, do đó nhà trường tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo giãn cách. Hàng ngày cô giáo chủ nhiệm các lớp cũng sẽ chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh và thông báo vào các nhóm lớp để phụ huynh và học sinh dễ dàng theo dõi các điểm có F0 xuất hiện, chủ động cách ly kịp thời”, cô Chuyên nói.
Nói về kế hoạch dạy và học với học sinh lớp 9, cô Chuyên cho biết, trong thời gian học trực tuyến, Ban giám hiệu đã yêu cầu các giáo viên dạy chắc kiến thức cơ bản của chương trình chính khóa, bên cạnh đó, sau mỗi buổi học, thầy cô giáo đều giao bài tập để học sinh tự hoàn thành sau đó tiếp tục chữa bài.
Dự kiến, sau tuần đầu tiên ổn định việc dạy và học, trường THCS Đông Dư sẽ tiến hành khảo sát học sinh khối lớp 9, phân loại để xây dựng chương trình dạy bổ trợ phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Cô Chuyên cho rằng, học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu trong thời kỳ dịch bệnh, với những học sinh có học lực khá giỏi sẽ không gặp nhiều khó khăn, song với những học sinh trung bình, hoặc các em có học lực yếu sẽ khó có thể theo kịp chương trình. Do đó, việc được trở lại học trực tiếp sẽ thuận lợi hơn trong việc dạy và học, đặc biệt với học sinh cuối cấp khi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đang đến gần.
“Các em học sinh lớp 9 năm nay đã có đến 3 năm phải học trực tuyến dài ngày, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng học tập, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về việc tinh giản chương trình khi học trực tuyến. Do đó các em hoàn toàn có thể yên tâm kỳ thi sẽ được tổ chức và ra đề phù hợp với điều kiện học tập thực tế. Tuy nhiên, khi việc học trực tiếp còn nhiều hạn chế do dịch bệnh, do đó bản thân mỗi em cần chủ động, nỗ lực hết mình và xây dựng kế hoạch học tập phù hợp”, cô Chuyên đưa ra lời khyên với học sinh cuối cấp THCS.
Trước đó, ngày 20/11/2021, Sở GD-ĐT đã có văn bản số 3995/SGDĐT-CTTT gửi UBND các huyện và thị xã trên địa bàn Thành phố về việc cho học sinh các huyện, thị xã trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, việc cho học sinh trở lại trường chỉ áp dụng với 18 huyện, thị xã khu vực dịch ở cấp độ 1, 2, trong 14 ngày tình đến thời điểm ngày 19/11/2021 không có ca F0 trong cộng đồng, mỗi xã/thị trấn chọn 1 trường THCS để tổ chức cho học sinh học tại trường.
Khối lớp 9 của 18 huyện, thị xã và học sinh các khối lớp của Trường Phổ thông dân tộc nội trú, huyện Ba Vì học trực tiếp.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, theo báo cáo của các huyện, ngày 22/11, toàn thành phố có 200/459 trường cho học sinh đến trường học tập trực tiếp, tổng số 794 lớp học, tổng số học sinh đi học 27.216/27.923 (97,47%), vắng 707 học sinh (2,6%). Tổng số giáo viên đến trường 1880/1923 (97,76%), vắng 33 giáo viên.
Các huyện Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, thị xã Sơn Tây và trường Phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì cho học sinh đến trường vào ngày 23,24/11/2021.
Trước đó, huyện Ba Vì là đơn vị đầu tiên của Hà Nội triển khai cho học sinh khối lớp 9 các trường THCS trên địa bàn trở lại trường học trực tiếp và đã đạt được kết quả tích cực./.