Sau hàng loạt các đơn kêu cứu của hàng ngàn giáo viên hợp đồng trên toàn thành phố Hà Nội về vấn đề có nguy cơ mất việc sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục trước kỳ thi tuyển viên chức sắp tới, UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định về việc sửa đổi, bổ dung Khoản 3 Điều 1 và Khoản I Phần B Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 7/3/2019 của UBND TP Hà Nội.
Theo đó, sửa đổi bổ sung Khoản 1 của Quyết định 1076 của UBND thành phố về hình thức tuyển dụng như sau: Giao UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn xem xét thực hiện việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với những trường hợp cụ thể đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ.
Giáo viên hợp đồng từ các huyện kéo về phòng tiếp dân của UBND TP Hà Nội gửi đơn kêu cứu. |
Sau khi rà soát số lượng giáo viên hợp đồng và thực hiện xét tuyển đặc biệt, UBND các quận huyện, thị xã lựa chọn tuyển dụng giáo viên bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 2 của Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, sửa đổi bổ sung Tiết c Điểm 2 Khoản 1 Phần B của Kế hoạch ban hành theo quyết định 1076 của UBND Thành phố Hà Nội. Theo đó, bổ sung đối tượng tham gia đăng ký tuyển dụng giáo viên THCS đối với những trường hợp có bằng tốt nghiệp CĐ trở lên các chuyên ngành phù hợp có với bộ môn giảng dạy và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định.
Những quận, huyện, thị xã chưa nhận các trường hợp này được bổ sung và công khai thời gian tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển của thí sinh.
Trước đó, Bộ Nội vụ cũng đã có trả lời đối với TP Hà Nội liên quan đến tuyển dụng viên chức giáo dục của thành phố. Theo đó, Bộ chỉ rõ việc tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 161/2018 của Chính phủ. Việc lựa chọn phương thức thi tuyển hay xét tuyển thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP Hà Nội.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng khẳng định, theo quy định của Nghị định số 161/2018 của Chính phủ, ngoài phương thức tuyển dụng qua thi tuyển hoặc xét tuyển thì việc tuyển dụng viên chức còn được thực hiện qua tuyển dụng đặc biệt.
Phương thức tuyển dụng này được áp dụng đối với trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu cần tuyển dụng.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị thành phố Hà Nội rà soát, thống kê số lượng giáo viên đang hợp đồng lao động trên địa bàn thành phố để có phương án xem xét, quyết định lựa chọn phương thức thi tuyển phù hợp.
Trước đó, như tin đã đưa, ngày 4/6, hàng trăm giáo viên hợp đồng từ các huyện của Hà Nội như: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức đã đến trụ sở tiếp công dân của UBND TP Hà Nội để cầu cứu và mong muốn các cấp lãnh đạo thành phố giải quyết vấn đề liên quan đến giáo viên hợp đồng.
Đặc biệt, nhiều giáo viên đã công tác trong ngành giáo dục 10 năm, thậm chí 20 năm nhưng vẫn chỉ được kí hợp đồng 3 tháng và hưởng mức lương hơn 1,2 triệu đồng/tháng, không hề được đóng BHXH, BHYT. Sau khi UBND TP Hà Nội có thông báo tuyển dụng viên chức cho ngành giáo dục những giáo viên có thâm niên mong muốn được “đặc cách” xét tuyển vào viên chức của ngành./.
Hàng trăm giáo viên hợp đồng tới phòng tiếp dân của Hà Nội kêu cứu
Vụ giáo viên hợp đồng 3 tháng, không BHXH: Huyện Mỹ Đức đã phạm luật?
Gần 300 giáo viên hợp đồng Sóc Sơn khóc nghẹn vì có nguy cơ mất việc
Nỗi niềm giáo viên hợp đồng Hải Dương trước thềm năm học mới