Tại cuộc gặp gỡ cung cấp thông tin cho các phóng viên phụ trách lĩnh vực giáo dục diễn ra sáng 11/5 tại Ninh Bình, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, quan điểm của Bộ GD-ĐT về xử lý nghiêm khắc những cá nhân liên quan đến vụ gian lận thi THPT Quốc gia năm 2018 dựa theo quy định của pháp luật và trên cơ sở có chứng cứ rõ ràng.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các cán bộ một số đơn vị trả lời báo chí về gian lận thi THPT Quốc gia năm 2018 sáng 11/5. |
Khoản 7, điều 49 đã quy định rõ các mức độ sai phạm xử lý thi cử. Quan điểm của Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đều rất rõ và quyết liệt là những phụ huynh tham gia vào việc “chạy điểm”, nâng điểm cho con em cũng phải bị xử lý. Sai phạm của phụ huynh, học sinh đến đâu thì cũng sẽ bị xử lý nghiêm đến đó. Những cán bộ trong ngành công an, giáo dục tham gia vào việc nâng điểm cho thí sinh đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, không có ngoại lệ.
Bộ GD-ĐT khẳng định không dung túng cho hành vi sai phạm. Trong khi cơ quan công an đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của những người liên quan tới vụ gian lận, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức trong ngành GD-ĐT có hành vi gian lận điểm cho con em mình, cương quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ vi phạm.
Đề cập về việc xử lý thí sinh gian lận điểm thi chiếm chỗ của thí sinh khác, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, 82 thí sinh đã bị huỷ kết quả nhập học là chiếm chỗ thí sinh khác. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với những thí sinh khác trúng tuyển mà không nhập học.
“Hàng năm, có khoảng 22.000 thí sinh trúng tuyển do đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng không nhập học vào các trường cũng là chiếm chỗ thí sinh khác?
Nếu giải quyết việc những thí sinh có điểm thi tiệm cận điểm tuyển sinh do 82 thí sinh trước đã bị chiếm chỗ thì những thí sinh đăng ký nguyện vọng, trúng tuyển không vào học cũng tương tự như vậy sẽ xáo trộn toàn bộ hệ thống tuyển sinh trong năm 2018. Vì thế, điều này được xếp vào hậu quả không có khả năng khắc phục đến cùng”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) |
51 thí sinh đang tiếp tục học tại các trường đại học, cao đẳng
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, trong 114 thí sinh được nâng điểm tại Hà Giang, có 39 thí sinh vẫn đủ điều kiện trúng tuyển và tiếp tục học tập tại 23 trường đại học.
Trong số 39 thí sinh này, đa số trường hợp điểm dù giảm sau chấm thẩm định nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển vào các ngành đang theo học.
Bên cạnh đó, có một số thí sinh "né" không dùng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển mà xét tuyển vào các trường bằng kết quả học tập phổ thông qua học bạ.
Ngoài ra, trong 114 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang, có 3 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, 72 thí sinh còn lại không đăng ký xét tuyển đại học (phần lớn do "điểm thật" giảm quá sâu, không thể xét tuyển đại học như mong muốn ban đầu).
Bộ GD-ĐT cũng có báo cáo về kết quả xử lý tạm thời đối với thí sinh được nâng điểm tại Hòa Bình, Sơn La.
Cụ thể, trong số 108 thí sinh được nâng điểm tại Sơn La và Hòa Bình, 1 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp, 81 thí sinh đã nhập học vào 26 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, 13 thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển và nhập học tại các trường đại học.
Riêng một trường hợp bị phát hiện nâng điểm từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã nhập học vào Học viện An ninh nhân dân.
Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định thì phần lớn thí sinh được nâng điểm này bị giảm điểm sâu không đủ điểm trúng tuyển.
Thống kê cho thấy có 82 thí sinh được nâng điểm bị các trường xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển, buộc thôi học.
Song theo Bộ GD-ĐT, vẫn có 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyến vào các trường các em này đã nhập học nên trước mắt vẫn để các em tiếp tục theo học.
Bộ GD-ĐT cho biết, đây là phương án xử lý trước mắt và sẽ vẫn chờ kết luận tiếp theo của cơ quan điều tra, nếu thí sinh nào có tham gia vào quá trình gian lận sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Riêng khối trường công an xử lý theo nguyên tắc đặc thù là tất cả thí sinh được nâng điểm, dù khi trả về "điểm thật" có đủ điểm chuẩn hay không vẫn bị hủy trúng tuyển, trả về địa phương.
Như vậy, đến thời điểm này, trong 222 thí sinh được nâng điểm tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, có 51 thí sinh vẫn đang tiếp tục học tại các trường đại học, cao đẳng./.
Số lượng thí sinh thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học từng tổ hợp năm 2019
Các bài thi THPT Quốc gia năm 2019 đạt điểm cao sẽ được chấm lại
27,8% số học sinh thi THPT Quốc gia 2019 chỉ để xét tốt nghiệp