Gấp rút bồi dưỡng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho giáo viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng được chương trình sách giáo khoa mới… Đây là một trong những nội dung được đa số các đại biểu đề cập khi tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

boiduong_xzpt.jpg
Bồi dưỡng giáo viên (ảnh minh hoạ)
Tại hội nghị trực tuyến, sau khi nghe các chuyên gia giáo dục tham gia chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới giới thiệu tổng quan về Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể; chương trình giáo dục tích hợp trong môn Khoa học xã hội; chương trình giáo dục tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên; Một số vấn đề về công tác xây dựng cơ sở vật chất trong các nhà trường; Công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông mới... đa số ý kiến đều cho rằng việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa là hợp lý và phù hợp với hiện tại. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới có sự chuyển hướng từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực người học. Tuy nhiên, điều khiến hiệu trưởng các trường băn khoăn nhất là đội ngũ giáo viên hiện nay mặc dù đã đạt chuẩn và cũng dạy liên môn nhưng vì chưa biết sách giáo khoa viết như thế nào, nội dung ra sao, liệu có đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới không? Trong khi đó, chương trình, sách giáo khoa mới lại dạy theo hướng tích hợp liên môn.

Ông Đoàn Công Thạo, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình nêu ý kiến: "Với thực tế của đội ngũ giáo viên và đào tạo sư phạm như hiện nay thì tham gia việc dạy môn tích hợp về xã hội xã hội thì hỏi rằng giáo viên đã đáp ứng được chưa và các bước để chuẩn bị như thế nào? Đây là việc chúng tôi trăn trở. Không đơn giản, ví dụ như tôi là giáo viên dạy Vật Lý không đơn giản là tôi vào dạy được cả hóa, cả sinh, tôi đang thực tập. Quá trình thực tập đó chúng ta đã làm được chưa?"

Bên cạnh đó, vấn đề về cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học, sĩ số lớp quá đông từ 40 đến 50 học sinh/lớp, thậm chí có một số trường một lớp có tới 60 học sinh như hiện nay cũng sẽ gây khó khăn cho các trường khi thực hiện chương trình mới. 

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho rằng: "Tập huấn cho thầy cô cũng theo lộ trình mà nghị quyết 51 của Quốc hội đề ra là năm học 2019-2020 sẽ tập trung dạy lớp 1. Năm học 2020-2021 bắt đầu có thêm lớp 2 và lớp 6....

Thế thì bồi dưỡng cho giáo viên cũng bồi dưỡng từng năm như thế thôi. Về cơ sở vật chất cũng khắc phục theo lộ trình bây giờ chúng ta đòi hỏi tất cả các trường 5 lớp đều học với sĩ số là 35 trở xuống, ở tiểu học 45 trở xuống, ở trung học cơ sở có thể thực hiện ngay cả 12 lớp thì khó khăn cần nhiều kinh phí và thậm chí cần đất chưa làm được nhưng mà năm đầu tiên tập trung khắc phục lớp 1 giải quyết được sang năm thứ hai lại lớp 2... Tức là mình làm dần chứ mình không đòi hỏi làm một lúc".

Chương trình trong sách giáo khoa mới sẽ có một số thay đổi (ảnh minh họa)
Để triển khai có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới, lãnh đạo các trường tại Hà Nội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần gấp rút đào tạo bồi dưỡng chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới khi triển khai thực hiện.

Giáo viên sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao khả năng tự học, để đáp ứng các yêu cầu mà chương trình đổi mới giáo dục đề ra. Các địa phương cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hơn nữa đảm bảo sĩ số lớp học đúng quy định, bởi sĩ số đông cũng là lực cản trong việc đổi mới giáo dục.../.