Nhiều người “giật nảy” sau khi đọc Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành qui định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).  Điều đáng quan tâm trong kết luận này là những năm qua, EVN không công khai, minh bạch cũng như hạch toán nhiều khoản chi sai không đúng mục đích vào giá bán điện, đã đẩy gánh nặng về giá điện lên vai những người dân.

dien.jpg
Bất công bằng còn thể hiện cả trong cách tính lương cho từng khu vực của EVN

“Thì ra, suốt một thời gian dài, người dân đã phải trả tiền cho sự gian dối của EVN. Điều này có thực sự công bằng trong lúc kinh tế khó khăn, người dân chắt chiu chi tiêu từng khoản nhỏ mà lại phải trả giá cho những “khoản chi lớn” không hiệu quả của EVN. Đây không thể gọi là kinh doanh, là vai trò đầu tàu của doanh nghiệp Nhà nước nữa” – bạn QuangHuy (huytuyenanh@gmail.com) viết.

“EVN là doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh một mặt hàng vô cùng thiết yếu cho cả nền kinh tế. Mất điện là ngừng hết mọi hoạt động. Nhà nước đã chọn EVN để phục vụ nền kinh tế, phục vụ đời sống người dân. Chỉ trong vòng 5 năm qua, với 7 lần tăng giá điện, lúc nào EVN cũng kêu gọi sự chia sẻ của người dân. Tăng giá thì người dân chỉ biết kêu vậy chứ vẫn phải móc hầu bao để chi trả bình thường chứ có dám lạm vào của EVN một đồng nào đâu. Thử chậm trả tiền điện cho EVN một tháng thì bạn sẽ biết ngay. Cắt điện tức thì!” – độc giả Hoàng Long hl123@ymail.com bức xúc.

“EVN nói là ngoài kinh doanh còn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội. Thử hỏi mỗi năm EVN làm được bao nhiêu nhiệm vụ chính trị-xã hội. Chỉ cần xem lại số tiền điện miễn giảm cho các hộ nghèo thì thấy, con số này chẳng thấm tháp vào đâu. Đúng là dân nghèo lại mắc tiếng oan vì những hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của EVN. Họ thua lỗ tính bằng hàng nghìn tỷ đồng cơ mà cớ sao lại đổ những thua lỗ này vào những người nghèo mà mỗi tháng chỉ dùng chưa đầy 100.000 đồng tiền điện/tháng. Cái này là “Cú kêu ma xơi” đây” – bạn Hải Linh (linhhq@yahoo.com) viết.

“Đối với việc xây nhà công vụ, EVN cho rằng, do đặc thù các nhà máy điện đều ở xa, được vận hành liên tục 3 ca 4 kíp, nên các nhà máy điện đều phải có khu Quản lý vận hành sửa chữa, trong đó có hạ tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân, những nhà ở này thực chất là nhà ở công vụ. Các công trình thể thao nằm trong khu quản lý vận hành nhằm đảm bảo sức khỏe của chuyên gia, công nhân bớt căng thẳng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe để duy trì thực hiện làm ca trực tiếp theo, giảm được các ảnh hưởng tiêu cực của xã hội… Nghe giải trình này của ông EVN thấy thật nực cười. Ảnh hưởng tiêu cực ở đây là gì vậy hả ông EVN? Trong khi người dân phải rời bỏ quê cha đất tổ để nhường đất cho các ông xây nhà máy thủy điện họ còn căng thẳng hơn nhiều. Vậy mà các ông cho mình cái quyền hưởng thụ gì mà ghê gớm thế?” – Minhqm (minhqm@icloud.com) đặt câu hỏi trở lại với cách giải trình của EVN.

Cùng chia sẻ về nội dung này, Phan Hoàng Dương viết: “Trong lúc Chính phủ kêu gọi tiết kiệm mọi chi tiêu để dành tiền cho đầu tư các công trình trọng điểm (hình như trong số này có cả các thủy điện thì phải) thì việc đầu tư dàn trải của EVN là một sự lãng phí. EVN là doanh nghiệp Nhà nước. Mỗi đồng tiền ngân sách đều là công sức, mồ hôi, nước mắt của người dân. EVN chi sai một đồng cũng là có lỗi với người dân, huống hồ lại đang sai tới hàng ngàn tỷ đồng. Những giải trình của EVN đều không thuyết phục, vòng vo tam quốc. Nếu nói như EVN xây sân tennis, bể bơi… để phục vụ các chuyên gia sau những giờ làm việc mệt mỏi. Vậy thử hỏi, những người dân đã phải bỏ cả ruộng vườn, đất cát của tổ tiên… để EVN xây dựng nhà máy thủy điện đã được đền bù xứng đáng hay chưa. Hay thậm chí, có những nơi xây thủy điện 3 năm rồi mà người dân vẫn sống trong cảnh tạm bợ? EVN hãy xem lại cách dùng tiền của Nhà nước và phải dám chịu trách nhiệm về những thua lỗ của mình. Đừng bắt người dân gánh chịu rồi cuối cùng lại hòa cả làng như từ trước tới nay” .

Không chấp nhận được cách thức kinh doanh của EVN, bạn Haianh (haianhquang@yahoo.com) cho rằng: “EVN đẩy giá bán buôn điện cho các doanh nghiệp cao hơn so với khung quy định là một việc không bình thường. Các Tổng công ty điện khác dù biết vẫn chấp nhận mua mà không kiến nghị hoặc có ý kiến với Bộ Công thương, dù Bộ này đã ban hành khung giá. Rõ ràng ở đây có sự thông đồng về lợi ích giữa công ty mẹ EVN và các công ty con. EVN cũng khẳng định là không hạch toán các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành vào giá điện. Đặc biệt, EVN luôn cho rằng phải tăng giá điện thì mới thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào ngành điện… Thế nhưng kết luận thanh tra lại khác hoàn toàn. Không biết lần tăng giá điện tới đây EVN sẽ lấy lý do gì để tăng? Bó tay với ông điện!”.

Đã quá quen với những “điệp khúc” về EVN, bạn đọc Ducphu (ducphu1242@yahoo.com.vn) cho rằng: EVN đã từng được nhắc đến nhiều lắm rồi như vụ lương khủng nhưng đến nay thì đã chìm xuồng, người dân đã khổ, đã nghèo vì ngành điện lắm rồi. Vì đây chính là lợi ích nhóm, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, và có thể còn có tham nhũng trong đó nữa. Phải làm, làm ngay, làm ngay đi, người dân đã mất niềm tin và kiên nhẫn lắm rồi”.

“Độc quyền thì sẽ như thế! Chỉ khổ dân thôi!” – theo bạn Phan Hùng hung05@gmail.com.

Bạn Nguyễn Văn Lợi (nguyenvanloij@gmail.com) cho rằng: Thanh tra chính phủ đã kiểm tra và phát hiện sai phạm rồi, vấn đề còn lại là xử lý sai phạm này như thế nào.

Còn bạn Phuc1151 (phuc1151@gmail.com) thì đặt câu hỏi: “Lỗ mà sao lương giám đốc và các bộ phận văn phòng cao ngất ngưởng vậy?”.

Bạn Phùng Thúy Giang (thuygiangbvi9x@gmail.com) cũng cho rằng: Không thể để EVN độc quyền ngành điện, rồi thích bán điện với giá bao nhiêu thì bán, và cứ kêu là "lỗ "được./.