Chiều 26/4, tại Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đổi mới mô hình đào tạo và chương trình đào tạo của các trường đại học Sư phạm”. Tới dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng đại diện các trường đại học khối Sư phạm. 
Tại hội thảo, Đại học Sư phạm Hà Nội đã giới thiệu “Đề án đổi mới chương trình đào tạo giáo viên” của trường, từ đó lấy ý kiến góp ý thảo luận của các nhà quản lý, các giáo viên khối các trường đại học Sư phạm nhằm hoàn thiện đề án. Nếu Đề án thành công, các trường đại học khối Sư phạm trên cả nước có thể học hỏi và áp dụng vào công tác giảng dạy của trường mình. 
hoi-thao.jpg
Đại biểu chia sẻ ý kiến tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Minh-Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, mục tiêu của việc đổi mới chương trình đào tạo giáo viên nhằm đào tạo ra các cử nhân Sư phạm có đầy đủ và năng lực nghề nghiệp để thực hiện hoạt động giáo dục –giảng dạy, đáp ứng mô hình giáo dục phổ thông đổi mới sau năm 2015. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Hà Nội có thể thực hiện được việc vừa giảng dạy tích hợp vừa giảng dạy phân hóa ở mức độ cao.

Việc đào tạo cử nhân có trình độ cao có thể trở thành các giảng viên giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài nước. Việc đổi mới chương trình nhằm phát triển trí tuệ, hoàn thiện thể chất, phẩm chất, năng lực người giáo viên, giảng viên trong tương lai; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…

Đề án đổi mới của mô hình đào tạo và chương trình đào tạo của trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn giữ nguyên thời gian 4 năm như hiện nay với khung chương trình đào tạo thành 2 nhóm gồm: khung chương trình của các ngành đào tạo để dạy tích hợp và phân hóa; khung chương trình của các ngành đào tạo chuyên biệt.

Điểm mới của khung chương trình là chia thành 2 giai đoạn đào tạo gồm đào tạo đạt chuẩn giáo viên THCS, có thể cấp bằng cao đẳng và giai đoạn đào tạo giáo viên đạt chuẩn THPT, cấp bằng đại học.

Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, nếu đào tạo 150 tín chỉ thì chương trình sẽ khá “nặng”, tạo áp lực cho sinh viên mà chưa chú trọng đến thời gian tự học và rèn luyện, trải nghiệm thực tế. Việc chia quá trình đào tạo để dạy tích hợp và phân hóa cần được nghiên cứu kỹ cho phù hợp với tình hình thực tế giảng dạy trong các nhà trường.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo cũng cho rằng, chương trình đào tạo giáo viên hiện nay chưa cân đối giữa việc đào tạo kiến thức khoa học cơ bản với đào tạo nghiệp vụ giảng dạy và bồi dưỡng ý thức trách nhiệm nghề nghiệp cho sinh viên theo học.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc đổi mới mô hình và chương trình đào tạo giáo viên cần theo chuẩn nghề nghiệp, cử nhân Sư phạm khi tốt nghiệp có thể giảng dạy cả chương trình THCS và THPT; vừa có khả năng dạy tích hợp vừa có khả năng dạy phân hóa theo yêu cầu.

“Chương trình đào tạo Sư phạm không chỉ phục vụ một chương trình phổ thông mà có thể phục vụ nhiều chương trình ở bậc phổ thông. Một chương trình vừa đáp ứng được đào tạo THCS vừa đáp ứng được đào tạo THPT sẽ tốt hơn chương trình chỉ phục vụ cho 1 cấp”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo thêm: việc tăng thời gian giảng dạy nghiệp vụ sư phạm cũng là việc làm cần thiết, trong đó nêu cao phẩm chất người giáo viên. Đồng thời, trong quá trình học tập, sinh viên sư phạm phải được trải nghiệm thực tế nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu công việc khi ra trường./.