Tiếp tục phiên họp thứ 27, chiều nay (14/4), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.
Đa số các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi lần này phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy nghề, khắc phục được những bất cập, gắn dạy nghề với nhu cầu của thị trường lao động. Có ý kiến đề nghị cần đổi mới phương thức tổ chức đào tạo nghề theo hướng tích lũy mô-đun, môn học nhưng phải đảm bảo yêu cầu chất lượng. Các đại biệu cũng đề nghị Dự thảo luật cần sửa đổi theo hướng quy định rõ về đào tạo nghề của các nhà trường, tránh việc lẫn lộn giữa đào tạo “thầy và thợ”.
Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển góp ý: “Bây giờ có tình trạng trường công nhân kỹ thuật cố gắng nâng lên thành trung cấp rồi cao đẳng, đại học. Cuối cùng mục tiêu của chúng ta là đao tạo công nhân lành nghề lại trở thành đào tạo thầy, lẫn lộn giữa đào tạo thầy và thợ. Cần quy định chặt chẽ, đào tạo nghề là đào tạo nghề. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Không phải con đường vào đại học là con đường vinh quang”.
Các đại biểu cũng nêu lên thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay, hay việc đào tạo không theo nhu cầu thị trường và năng lực tay nghề dẫn đến chất lượng lao động qua đào tạo còn thấp. Việc cho phép thành lập nhiều trường đại học và số lượng tuyển sinh cũng là một trong những nguyên nhân gây dư thừa nhân lực nghề.
Đại biểu Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị: “Tờ chính cần làm rõ, các chính sách sửa đổi có hướng đến việc nguồn nhân lực góp phần tạo đột phá đối với nguồn nhân lực trong 10 năm tới hay không, đặc biệt là trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Tôi đề nghị phải đưa vấn đề nâng cao chất lượng là mục tiêu hàng đầu đối với việc sửa đổi lần này, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường và tái cơ cấu nền kinh tế”.
Về chính sách của Nhà nước đối với phát triển dạy nghề, một số ý kiến cho rằng cần quan tâm, ưu tiên phụ nữ và lao động nông thôn, đồng thời hỗ trợ cơ sở doanh nghiệp dạy nghề ở khu vực nông thôn, miền núi.
Về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề, nhiều ý kiến tán thành với những nội dung sửa đổi, bổ sung như trong Dự thảo Luật, song lưu ý các quy định phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và người học để Luật có tính khả thi trong thực tiễn./.