Chia sẻ ấn tượng về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cách đây gần 10 năm, khi ông còn là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Bùi Thanh Toàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên cho biết, ấn tượng về Phó Thủ tướng khi đó là một lãnh đạo trẻ, năng động, thẳng thắn, gần gũi và cởi mở và đến nay ấn tượng đó ngày càng sâu đậm hơn. “Khi Quốc hội phê chuẩn đồng chí làm Phó Thủ tướng phụ trách văn hóa-xã hội-giáo dục, bản thân tôi rất tin tưởng và kỳ vọng”.

Đại biểu Toàn trăn trở về việc hiện nay sinh viên khi ra trường không có việc làm cũng là phổ biến, thậm chí ở Phú Yên có tình trạng thạc sĩ đi làm thợ may. Lý do chính là các bạn có chuyên môn nghề nghiệp nhưng kém về mặt kỹ năng. Các đoàn hội, nhà trường cũng quan tâm đến đào tạo kỹ năng cho sinh viên, nhưng đại biểu mong muốn đưa đào tạo kỹ năng mềm vào chương trình khung để dành thời gian và nguồn kinh phí cho đào tạo kỹ năng.

dam-1.jpg
Phó Thủ tướng cởi mở, thẳng thắn chia sẻ nhiều vấn đề mà sinh viên quan tâm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ tăng cường nhiều biện pháp đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục Đại học và phương pháp giảng dạy để học sinh đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực mới cho hội nhập.

Phó Thủ tướng nhận định, lý do chính của việc thạc sĩ phải đi làm thợ may không phải là do họ thiếu kỹ năng, mà đây là câu chuyện “con gà quả trứng”. Chuyện con gà-quả trứng ở chỗ, nếu chúng ta có nguồn nhân lực tốt, là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ngược lại, khi đầu tư phát triển mạnh thì lại thu hút nguồn nhân lực…

Để giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường và cho lao động, điều đầu tiên là phải phát triển rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Có nhà máy, có công ty thì người lao động mới có việc làm.

Về phía Chính phủ, để làm những việc này, không chỉ là đổi mới giáo dục cơ bản mà phải có những đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế quản lý, cơ chế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa để tạo môi trường kinh doanh tốt. “Đặc biệt là doanh nghiệp phải kết hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo, không chỉ trong hỗ trợ kinh phí đầu tư, mà còn đặt ra yêu cầu nhân lực để cơ sở đào tạo có định hướng giảng dạy”.

Còn rất nhiều việc phải làm để đổi mới giáo dục

Đại biểu Nguyễn Minh Phúc, sinh viên Đại học Sao Đỏ, Hải Dương mong muốn được Phó Thủ tướngđánh giá chương trình đào tạo, học tập nước ngoài có ưu điểm, khác biệt gì so với chương trình đào tạo đại học, cao đẳng trong nước và điểm ưu việt nào có thể áp dụng được cho việc đào tạo trong nước để sinh viên Việt Nam có thể hội nhập nhanh hơn với quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ông không học Đại học ở trong nước nên cũng khó để so sánh. "Nhưng tôi cảm giác là học phổ thông ở nước ngoài có thể nhàn hơn ở Việt Nam, nhưng học đại học thì vất vả hơn".

Cũng như chia sẻ tại diễn đàn về giáo dục sáng nay, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay, rất thuận lợi là việc chúng ta đã ban hành Đề án đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo. Điều đó có nghĩa là đổi mới từ cơ cấu, đến chương trình, phương pháp thi cử, đánh giá chất lượng, đổi mới đội ngũ giáo viên…. “Tất cả đều theo một hướng, đó là hướng tới việc trở thành công dân toàn cầu, sinh viên toàn cầu, làm sao để sinh viên học Đại học xong muốn học cao học tại trường nào cũng được”.

Để được như vậy, theo Phó Thủ tướng có rất nhiều việc phải làm. Và thuận lợi là việc các nước trên thế giới luôn sẵn sàng chia sẻ các chương trình đào tạo đại học của họ.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong nhiều chương trình giảng dạy, nhất là của các trường đại học tiên tiến, về cơ bản chúng ta đã tham khảo nhiều môn học. “Tôi tin là càng ngày chương trình giáo dục của Việt Nam sẽ càng gần hơn với chương trình đào tạo của thế giới”.

Không được “quên” khoa học cơ bản

Bày tỏ khoăn về việc các ngành đào tạo của Việt Nam còn sự chênh lệch lớn, đặc biệt trong các ngành như sư phạm hay khoa học cơ bản, đại biểu Trịnh Thị Hiền Phương, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM mong muốn Nhà nước, Chính phủ có cơ chế chính sách để thu hút sinh viên vào các ngành này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây cũng là câu hỏi rất lớn của ngành Giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng, tùy từng thời điểm có thể tập trung vào ngành kỹ thuật hay ngành có tính ứng dụng nhanh. Nhưng nền khoa học, nền tri thức của đất nước nhất định không được quên khoa học cơ bản. “Vấn đề này ngày xưa chúng ta làm rất tốt, có một thời kỳ cũng bị nguội đi. Nhưng gần đây, khoa học cơ bản được chú trọng và đầu tư nhiều hơn”.

Một trong những minh chứng nhỏ là việc GS Ngô Bảo Châu được giải thưởng Toán học, chúng ta lập Viện Toán Cao cấp, mời GS Châu về làm việc nhưng rất khó để đưa thành phong trào lớn. Hoặc ngày trước, có rất nhiều người như GS.VS Nguyễn Văn Hiệu rất giỏi về chuyên ngành vật lý, nhưng sau này ngành đó cũng ít đi. Hoặc như hiện nay, đang cần huy động người theo học ngành năng lượng hạt nhân, nhưng vì nhu cầu sử dụng không có nên ít người theo học...

Đã có thời kỳ, ngành sư phạm được hỗ trợ rất mạnh, học sinh sư phạm được cấp học bổng. Các trường sư phạm phát triển khắp nơi, không chỉ ở Trung ương, mà tỉnh nào cũng có trường sư phạm. Bây giờ khoảng hơn 40% sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc….

Phó Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chính là khi đầu ra, việc làm khó thì mọi người sẽ ít muốn thi vào, chứ không phải vấn đề cần hỗ trợ gì thêm. “Có lẽ phải tính việc hỗ trợ giáo viên khi ra trường ở những nơi cần hỗ trợ. Đối với ngành khoa học cơ bản, ngoài việc hỗ trợ trong trường, phải hỗ trợ làm sao để công tác nghiên cứu khoa học cơ bản được đẩy lên. Khi có nhu cầu thu hút nhân lực thì tự nhiên thí sinh sẽ thi vào”.

Cũng như nhiều bạn trẻ, đạibiểu Ma Trần Thúy Hạnh, sinh viên Nông nghiệp bày tỏ sự biết ơn tới Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên dân tộc thiểu số về học phí, cộng điểm, chỗ ở… “Đảng và Nhà nước đã cho rất nhiều “cá” nhưng bản thân chúng cháu muốn có “cần câu”. Cháu muốn bản thân và những bạn sinh viên dân tộc thiểu số khác sẽ mang kiến thức của mình về giúp cho cộng đồng dân tộc mình. Cháu mong muốn Đảng, Nhà nước có những chương trình như Chương trình 600 Phó Chủ tịch xã vì chính sinh viên dân tộc thiểu số chúng cháu hiểu rất rõ về cộng đồng dân tộc mình”- Đại biểu Hạnh bày tỏ.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay Chương trình 600 Phó Chủ tịch xã đang được thực hiện với nhiều mục đích, trong đó có mục đích đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các bạn trẻ.

Phó Thủ tướng tin rằng, nếu chương trình thực hiện tốt thì Đảng, Nhà nước không ngần ngại tiến hành mở rộng… Để chương trình tốt hơn, Phó Thủ tướng mong các bạn trẻ khi kết thúc khóa học sẽ về quê nhà công tác, lập nghiệp. Chính họ sẽ là những người đưa quê hương mình đi lên, thu hẹp khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa với vùng đô thị./.