Nếu như ở Mỹ, triết lý giáo dục cốt lõi bao gồm: Thuyết bản chất, thuyết trường tồn, thuyết tiến bộ, thuyết cải tạo xã hội, thuyết hiện sinh thì tại Nhật Bản, triết lí giáo dục là đào tạo người công dân có đủ tri thức, phẩm chất, năng lực phù hợp với xã hội hòa bình, dân chủ và tôn trọng nhân quyền. 

Ở Hàn Quốc nhấn mạnh đến việc tự hoàn thiện trong giáo dục, đào tạo, kỉ luật, nghiên cứu và phát triển, đó là triết lí cho sự thịnh vượng. Những triết lí này đã mang lại cho họ một nền giáo dục toàn diện.

Hiểu triết lí để có hướng đi mạch lạc hơn, đó là điều cần thiết. Bên cạnh đó, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, thậm chí thẳng thắn nhìn lại những sai lầm, chủ quan, đó là việc cần làm trong bối cảnh hiện nay của ngành giáo dục.

ky_thi_2_vpri.jpg

Sự trăn trở của Phó Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trường THPT Lương Thế Vinh, người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua, đó là sự phản hồi của Bộ giáo dục và Đào tạo mỗi khi đưa ra những đổi mới. Nhiều ý kiến đa chiều về chuyện nhập 2 thành 1 trong kì thi tốt nghiệpTHPT và thi đại học; chuyện tích hợp; áp dụng mô hình giáo dục từ các nước khác… Nhưng đáp lại những ý kiến tâm huyết là sự im lặng hay nếu có tiếp thu, nhưng mang tính bảo thủ.

“Bộ GD-ĐT chưa thực sự lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, sư phạm, giáo viên, học sinh. Tôi rất tâm đắc một đoạn trong thư của Chủ tịch  Trương Tấn Sang gửi thầy giáo 5/9: Bộ GD-ĐT cần phải lắng nghe ý kiến của dư luận. Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch nước viết như thế” - Phó Giáo sư Văn Như Cương nhấn mạnh.

Điều này cũng đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại cuộc gặp kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ với các chuyên gia giáo dục vào ngày 23/12 vừa qua để bàn về đổi mới giáo dục và sách giáo khoa.

Với Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, vị trí, vai trò của giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên cần có sự đầu tư lớn từ Đảng, Chính phủ. Với vai trò là nhạc trưởng của một ngành, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cần có cái nhìn tổng hợp để đưa ra chiến lược phát triển chung nhất, tránh tình trạng cắt khúc như hiện nay.

Tư duy nhiệm kì đang là gánh nặng cho những đổi mới mang tính quyết sách lâu dài. Vây nên, theo Giáo sư , Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, chính khách không có tuổi, miễn là chính khách ấy còn năng lực và được tín nhiệm.

“Ngành GD-ĐT phải làm sao khắc phục được cách làm có phần nào chịu ảnh hưởng của tư duy nhiệm kỳ, quản lý kiểu phân khúc như hiện nay để mình xác định được việc phải làm xa hơn. Kiên quyết khắc phục những hạn chế khuyết điểm đang mắc phải. Nếu chúng ta không kiên quyết khắc phục có thể rất khó thúc đẩy giáo dục phát triển. Nhân đây tôi nói, nhiệm kỳ cũng có cái dở thế này, có thể người lên sau phải ngồi chữa lại cái dở của người trước để lại, mất thời gian lắm, chữa mấy năm không xong, chưa chữa xong đã hết nhiệm kỳ rồi. Tôi nghĩ phải kiên quyết thay đổi thôi” - Giáo sư , Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đổi mới giáo dục cần theo triết lí thực học và dân chủ. Thực học là đào tạo học sinh theo phương pháp riêng biệt để họ có năng lực thực tiễn. Dân chủ là tạo quyền cho người làm việc thực tế được tự quyết trong khuôn khổ chính sách, pháp luật của nhà nước.

Đồng tình với việc trao quyền tự chủ cho cơ sở, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục rất náo nức với Nghị quyết của Trung ương vì theo lý thuyết, những vấn đề đưa ra để thực hiện rất đúng và trúng với thực tiễn. Nhưng nghị quyết mới chỉ là định hướng. Việc thực thi vẫn còn chậm.

Thời gian qua, ngành Giáo dục đổi mới rất nhiều, nhưng xã hội, người dân lại chưa hài lòng với những đổi mới ấy. Vì sao lại có tình trạng này?

Phải chăng mục tiêu đúng, nhưng cách thức thực hiện sai? Nếu như vậy thì đây là cái giá quá đắt cho sự đổi mới vội vàng. Ở lĩnh vực nào cũng vậy, tư lệnh ngành là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước sự phát triển hay đi xuống của một ngành. Với tư lệnh giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nhiệm kì qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã rất tích cực đổi mới, nhưng chưa đủ.

“Bộ trưởng GD-ĐT mới thấy được cái lý, cái phải ở phía mình là có cơ sở khoa học để đưa ra việc này, việc kia. Nhưng cái đó đã hợp lý chưa, cách tổ chức thực hiện những đổi mới đã biến hành hiện thực chưa hay mới chỉ là nghị quyết, đường lối. Người dân không thể căn cứ vào đường lối mà phải căn cứ vào thực tiễn, con em được hưởng nền giáo dục tiên tiến chưa. Do đó, tính trách nhiệm ở đây phải có cơ quan phán xử chứ không phải dân cứ kêu ông Bộ trưởng”- Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói.

Đất nước muốn thay đổi, cần phải đổi thay nền giáo dục. Vì thế, trách nhiệm của ngành Giáo dục rất nặng nề. Sẽ là thiếu nếu như chỉ có quyết tâm không, mà cần có định hướng thật cụ thể về triết lí giáo dục thực chất; có sự suy xét thấu đáo trong từng hướng đi mới; cần có cái nhìn tổng thể về nền giáo dục…Và trên hết tất cả đó là cái tâm, cái tầm của những người đứng đầu luôn hiện hữu trong mỗi quyết sách.

Sự kì vọng này là niềm hy vọng lớn lao của một thế hệ, một đất nước đang trên đà đổi mới…./.