Ngày 15, 16/9, các trường ĐH trên cả nước đã hoàn tất việc công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học đợt 1 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều đáng chú ý là năm nay nhiều ngành có mức điểm cao kỷ lục, thậm chí trên 30 với các tổ hợp xét tuyển 3 môn, không có môn nhân đôi.
Theo dữ liệu điểm chuẩn từ các trường đại học đã công bố, năm 2021, nhiều ngành “hot” tại các trường top trên đạt ngưỡng “chạm trần”, thậm chí vượt ngưỡng 30/30.
Trong đó có ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao – ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy 30,5 điểm, ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân, lấy 30,34 khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) với nữ. Mức điểm này không có môn nhân đôi, tức nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh nữ đạt mỗi môn 10 điểm vẫn trượt. Bên cạnh đó, ngành Hàn Quốc học – ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng lấy 30 điểm.
Ngoài ra, nhiều ngành khối xã hội xét tuyển khối C00 cũng lấy điểm chuẩn trên 29.
Các ngành khối kinh tế của ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân có điểm chuẩn trên 28, ngành Công nghệ thông tin tiếp tục dẫn đầu nhóm kỹ thuật với mức điểm chuẩn thấp nhất không dưới 27, ở một số trường ngành này lên đến gần 29 điểm.
Mức điểm chuẩn cao gần như tuyệt đối khiến nhiều thí sinh dù đăng ký đến 10 nguyện vọng hoặc nhiều hơn nữa vẫn không trúng tuyển.
Điểm thi tiếng Anh cao, có thiệt cho thí sinh xét theo các khối thi khác?
Nhận định chung về bức tranh điểm chuẩn đại học năm nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, nhìn chung, điểm chuẩn của các ngành, các trường top trên được nhiều thí sinh quan tâm đều tăng, mức tăng từ 1-2 điểm, cá biệt có ngành tăng 4-5 điểm, thậm chí tăng 8-9 điểm. Sự gia tăng điểm chuẩn này cũng đã được dự báo trước do có một số trường đã chuyển chỉ tiêu xét tuyển sang các phương thức khác. Đặc biệt, năm nay, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh tăng khá mạnh so với những năm trước nên kéo theo điểm trúng tuyển các ngành có môn này cũng tăng theo.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng đặt ra vấn đề rằng, nếu các trường không xét tuyển riêng theo từng khối thi mà lấy một đầu điểm chuẩn chung cho các tổ hợp, liệu có thiệt thòi cho những thí sinh xét tuyển theo các khối khác không có môn tiếng Anh?
Còn theo TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài Chính, điểm chuẩn năm 2021 cao do phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ điểm 8-8,5 rất nhiều. Tuy nhiên, điểm chuẩn đại học cao không phải do số lượng học sinh giỏi, xuất sắc nhiều hơn năm trước mà chủ yếu liên quan đến đề thi.
Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên Lịch sử tại trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cũng cho rằng, điểm chuẩn nhiều ngành năm nay ở ngưỡng cao ngất ngưởng. Theo thầy Hiển, nguyên nhân phần lớn do đề thi tốt nghiệp THPT tương đối dễ, xuất hiện mưa điểm 10 ở nhiều môn, đặc biệt là các môn khối C, dẫn đến điểm chuẩn khối thi này tại nhiều trường xấp xỉ hoặc vượt ngưỡng 30 điểm. Bên cạnh đó, hiện nay các trường đại học đều tự chủ tuyển sinh, tuyển theo nhiều phương thức khác nhau, khi có tổng chỉ tiêu không đổi, số lượng chỉ tiêu chia cho phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm, dẫn đến điểm chuẩn của phương thức này tăng cao hơn.
Giáo viên này cũng cho rằng, năm nay, ranh giới giữa đỗ và trượt với nhiều thí sinh là không đáng kể, nhiều khi còn phụ thuộc vào may mắn. Việc đề thi ra dễ thở trong bối cảnh dịch bệnh giúp giảm áp lực cho thí sinh, song cũng gây lo ngại khi tính phân hóa không cao, gây “lạm phát” điểm thi.
Điểm chuẩn 30 nhưng thực tế không có em nào thi được 30 điểm
Là trường có ngành lấy điểm chuẩn đến ngưỡng 30, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, điểm chuẩn vào các trường đại học năm 2021 tăng ở hầu hết các ngành đào tạo. Điều này đã được dự báo ngay từ khi có kết quả kỳ thi THPT.
Đối với các ngành đào tạo của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, mức tăng trung bình khoảng 0,5 -1,5 điểm như dự báo từ trước.
Lý giải về mức điểm chuẩn tăng, GS Hoàng Anh Tuấn cho biết, phổ điểm thi THPT năm 2021 tăng nhẹ ở các môn thuộc khối C và khối D nên đương nhiên điểm chuẩn đại học tăng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, các trường đại học ngày càng gia tăng các hình thức xét tuyển ngoài kết quả thi THPT như xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng thông qua các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng quốc tế và quốc gia, thi đánh giá năng lực… Việc gia tăng tỉ trọng xét tuyển như trên khiến chỉ tiêu các trường đại học dành cho xét tuyển từ kết quả THPT giảm xuống. Phổ điểm thi THPT tăng lên trong khi chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết quả thi TPHT giảm thì điểm chuẩn sẽ tăng.
Bên cạnh đó, do diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến kế hoạch du học của nhiều thí sinh bị đình trệ, thí sinh chọn giải pháp học tập trong nước. Các em đều có ngoại ngữ tốt nên điểm thi vào các tổ hợp khối D sẽ rất cao.
Điểm chuẩn cao đột biến chỉ xảy ở một số ngành, chứ không phủ khắp tất cả các ngành và chương trình đào tạo. Ví dụ, điểm chuẩn đối với tổ hợp C00 vào ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tiếp tục đứng ở ngưỡng tối đa 30/30 điểm năm thứ hai liên tiếp do chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Hàn Quốc học rất thấp, trong tổng số 50 chỉ tiêu thì đã có 15 thí sinh được xét tuyển thẳng theo chứng chỉ quốc tế, giải thưởng quốc gia…, như vậy chỉ còn 35 chỉ tiêu cho xét tuyển từ điểm thi THPT. Trong khi đó có đến 1.800 hồ sơ đăng ký vào ngành này, tức tỷ lệ chọi xấp xỉ 1/51, đối với tổ hợp khối C00 thì tỉ lệ này còn cao hơn.
"Điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước khiến điểm tổng (sau khi cộng điểm ưu tiên, tối đa lên đến 2,5 điểm đối với thí sinh người thiểu số ở KV1) của các em vượt qua ngưỡng 30/30. Trong thực tế, không có thí sinh nào đạt điểm thi tối đa 30/30 mà do được cộng điểm ưu tiên nên mới đạt hoặc vượt ngưỡng 30/30”, GS Hoàng Anh Tuấn cho biết./.