Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tính đến ngày 7/5, cả nước đã có hơn 20 tỉnh, thành phố cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến để phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là thời điểm ôn thi nước rút của học sinh khối 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện nay dịch Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp, tuy nhiên với tinh thần chủ động, kinh nghiệm từ năm 2020, Bộ GD-ĐT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các địa phương và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 để có các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
“Quan điểm của Bộ là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, an toàn và đặc biệt là an toàn trong phòng chống dịch. Tùy vào diễn biến của dịch bệnh, Bộ sẽ quyết định phương án thi cụ thể theo nguyên tắc tổ chức thi với các địa phương an toàn không phải giãn cách xã hội. Tại các điểm thi sẽ bố trí các phòng thi riêng cho các thí sinh thuộc diện F1, F2, F3 cùng các phương án phòng chống dịch phù hợp với các nhóm thí sinh. Trong trường hợp cần thiết, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm đợt thi. Bộ cũng đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng và đủ số lượng trong trường hợp phải thi nhiều đợt”, ông Trinh cho hay.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 sẽ không được đưa vào đề thi. Các câu hỏi ở mức độ cơ bản, số lượng các câu hỏi khó ở mức hợp lý để có thể phân hóa kết quả thi của thí sinh, nhất là với những em điểm cao từ 9-10 điểm. Câu hỏi trong đề cũng sẽ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định, về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản được giữ ổn định như năm 2020, về quy chế thi có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, tuy nhiên để hướng tới đảm bảo tính gọn nhẹ, thuận tiện hơn.
Ông Mai Văn Trinh cũng đặc biệt lưu ý, thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT cần nắm rõ quy chế thi, đặc biệt cần nhớ các thiết bị không được mang vào phòng thi. Trước khi phát đề, cán bộ coi thi tại các phòng thi cần phổ biến lại quy chế thi, với những thí sinh cố tình vi phạm sẽ bị đình chỉ, hủy bỏ kết quả thi.
Năm 2021, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục đối sánh kết quả học tập trên học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT, trong trường hợp phát hiện những dấu hiệu bất thường sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Đại diện Cục Quản lý chất lượng cũng nhấn mạnh các trường cần kiểm tra, đánh giá học sinh một cách khách quan, nghiêm túc, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng nâng điểm cho học sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao về cho các địa phương tổ chức, do đó, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh vai trò của địa phương, cụ thể là Chủ tịch UBND các tỉnh sẽ quyết định trực tiếp đến tính thành công của kỳ thi.
“Bộ GD-ĐT với vai trò quản lý Nhà nước sẽ ban hành những quy chế hướng dẫn, cung cấp đề thi, phần mềm chấm thi… chủ tịch UBND các tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tại các địa phương. Tôi đề nghị các địa phương chủ động thực hiện, huy động hệ thống chính trị ở địa phương để tổ chức kỳ thi nghiêm túc nhưng không quá nặng nề. Tính thành bại của kỳ thi phụ thuộc vào chính công tác tổ chức của địa phương”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ đã xây dựng các kịch bản khác nhau tương xứng với diễn biến của dịch Covid-19. Các địa phương cần tập trung rà soát, sắp xếp các địa điểm thi, chuẩn bị các phòng thi, phòng trường hợp có các thí sinh là F1, F2, F3, rà soát các thiết bị, khâu in sao đề thi, chấm thi. Đặc biệt chú trọng đến khâu tập huấn giáo viên, nhất là các cán bộ trọng yếu tham gia in sao đề thi.
“Mỗi địa phương cần có kịch bản rất cụ thể theo từng diễn biến của dịch bệnh, phải tính toán để chuẩn bị các trang thiết bị từ khử khuẩn, khẩu trang… đảm bảo an toàn cho thí sinh và cán bộ làm công tác thi. Mỗi địa điểm cũng cần sắp xếp 1 số y bác sỹ để kịp thời ứng phó trong các trường hợp đặc biệt. Chúng ta không nên quá lắng nhưng không được chủ quan, lơ là, làm chủ tình hình trong bối cảnh dịch Covid-19”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh./.