Bộ GD-ĐT vừa chính thức thông qua Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể.
Điều đáng chú ý là trong chương trình mới này, số lượng môn học, thời lượng học ở cả 3 bậc học: Tiểu học, THCS, THPT đều giảm so với dự thảo. Đặc biệt, hoạt động hướng nghiệp được đẩy mạnh thực hiện từ năm lớp 8. Hoạt động trải nghiệm được coi là một trong những nội dung không thể thiếu trong chương trình mới.
Sau khi chương trình được thông qua, một số lãnh đạo trường học đã có những ý kiến, đề xuất với lãnh đạo Bộ trước khi áp dụng chính thức vào các trường học.
Giảm tiết học phải song hành với giảm kiến thức môn học
Bà Trần Thúy Nga, Hiệu trưởng trường THCS Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, việc tư vấn nghề nghiệp, dạy nghề cho học sinh được các trường THCS thực hiện từ năm lớp 8 rất tốt. Điều này sẽ giúp cho những học sinh nào không có năng lực học tập tiếp lên cấp THPT thì có thể chuyển sang học nghề.
Về số tiết học ở bậc THCS trong chương trình GDPT tổng thể giảm so với dự thảo lần 1. Cụ thể, lớp 6, 7 giảm 58 tiết (gồm cả bắt buộc và tự chọn), khối 8, 9 giảm 78 tiết (cả bắt buộc và tự chọn). Tuy nhiên, nếu giảm số tiết học xuống mà chương trình học không thay đổi thì nội dung kiến thức của 1 tiết học lại tăng lên. Vì vậy, nếu chương trình GDPT tổng thể đã giảm thời lượng tiết học xuống phải song hành với việc giảm kiến thức môn học xuống thì mới phù hợp với học sinh.
Ảnh minh họa |
Việc tích hợp giữa các môn học nên cụ thể hơn như: Tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, các môn năng khiếu thì cần có sự tích hợp ở nhiều bài học hơn, chứ không nên chỉ tích hợp ở một môn học.
Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường là phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất ở các trường học tại các địa phương.
Theo bà Trần Thúy Nga, ở các địa phương có diện tích đất đai rộng sẽ thuận lợi cho các hoạt động trải nghiệm. Còn các trường THCS trong nội thành ở một số thành phố ít có không gian để giáo viên thực hiện hoạt động trải nghiệm. Để thực hiện được hoạt động này, các trường này phải cho học sinh đến địa phương khác.
Trước khi thực hiện chương trình GDPT tổng thể, Bộ GD-ĐT nên có sự truyền đạt, hướng dẫn và tập huấn cho các địa phương thật kỹ lưỡng. Từng trường học, cán bộ quản lý cho đến giáo viên cần nắm thật chắc và đúng những nội dung thay đổi trong chương trình để khi triển khai mới có thể đạt hiệu quả, đồng bộ.
Ngoài ra, đối với hoạt động trải nghiệm không phải là nội dung nào cũng có thể thực hiện tại trường nên rất cần được các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất.
Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên rất quan trọng
Đối với cấp THPT, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội nêu quan điểm, trong chương trình GDPT tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT thông qua, tổng số tiết học của mỗi năm là 1015 tiết, thấp hơn so với lớp 10 ở bản dự thảo lần 1 là 85 tiết nhưng nhiều hơn lớp 11, 12 so với bản cũ là 30 tiết.
Nếu các trường THPT có thể điều tiết được thời lượng chương trình các môn học thì hoàn toàn có thể dạy học được, không ảnh hưởng gì nhiều đến chất lượng giảng dạy.
Một hoạt động trải nghiệm của học sinh Hà Nội (Ảnh minh họa) |
Đối với hoạt động trải nghiệm đã được thực hiện ở các trường THPT nhưng vẫn còn ít và sơ sài, chưa được đặt ra là hoạt động thiết yếu trong trường học. Nếu bây giờ hoạt động này được chú trọng hơn thì các thầy cô giáo cần được hướng dẫn một cách cụ thể.
Ngoài ra, hiện nay, các trường THPT công lập đang còn rất khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất để hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động sáng tạo và trải nghiệm.
Ví dụ như nhà trường muốn tổ chức hoạt động trải nghiệm về học kỳ quân đội để học sinh hiểu rõ hơn về lực lượng vũ trang hay tham gia các hoạt động xã hội để biết cách thức ăn uống, xếp hàng và lấy đồ ăn như thế nào cho lịch sự thì rất cần sự ủng hộ tài chính từ phía phụ huynh học sinh và các thành phần xã hội khác.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình, để thực hiện chương trình GDPT tổng thể, với điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên như hiện nay, các trường THPT công lập không thể thực hiện chuẩn ngay được mà cần phải có lộ trình, thời gian.
Ví dụ như trong 3 năm đầu, các trường thực hiện hoạt động trải nghiệm được đến đâu, sau bao nhiêu năm thì các trường có thể đạt chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đáp ứng cho giảng dạy theo chương trình mới./.
Chương trình GDPT tổng thể có một số thay đổi so với bản dự thảo:
Cấp Tiểu học: Môn Ngoại ngữ là môn bắt buộc từ năm lớp 3
So với bản dự thảo công bố lần 1, bản chính thức có nhiều điểm mới. Cụ thể với bậc tiểu học, môn ngoại ngữ 1 đã chuyển thành môn tự chọn đối với lớp 1, lớp 2, và là môn học bắt buộc đối với lớp 3, 4,5. Trong môn học tự chọn đã không còn bóng dáng của môn ngoại ngữ 2.
Số lượng môn học khác cũng được giảm đáng kể. Hai môn học tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội trong bản dự thảo 1 đã được tích thành môn học tự nhiên và xã hội. Địa lý và lịch sử cũng chỉ được coi là 1 môn học. Môn học bắt buộc “Cuộc sống quanh ta” ở bản dự thảo 1 đã không còn có mặt tại bản chính vừa được công bố.
Hai môn thế giới công nghệ và tìm hiểu tin học được tích hợp còn một môn là tin học và công nghệ. Số lượng các môn học giữa các lớp ở bậc tiểu học trong bản chính không giống nhau. Chính vì vậy, lớp 1, lớp 2 tổng số tiết trong năm học là 1015 tiết, lớp 3 là 1085 tiết, lớp 4 và lớp 5 là 1120 tiết.
Như vậy so với bản dự thảo lần 1, số tiết học trong năm của tất cả các lớp tiểu học đều giảm đi đáng kể. Cụ thể, lớp 1, 2 giảm nhiều nhất là 132 tiết (cả bắt buộc và tự chọn), lớp 3 giảm 62 tiết, lớp 4, 5 giảm 64 tiết (cả bắt buộc và tự chọn).
CấpTHCS: hướng nghiệp từ lớp 8
Số lượng môn học, tên môn học ở bậc học THCS tại bản chính không thay đổi so với bản dự thảo. Nhưng có thay đổi mục tiêu, mục đích của một số môn học. Cụ thể, đối với mỗi môn Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Số tiết học ở bậc THCS cũng giảm so với dự thảo lần 1. Cụ thể, lớp 6, 7 giảm 58 tiết (gồm cả bắt buộc và tự chọn), khối 8, 9 giảm 78 tiết (cả bắt buộc và tự chọn).
Ở bản chính, ban soạn thảo đã đề cập đến nội dung hướng nghiệp. Cụ thể đề xuất các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8, lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.
Cấp THPT:Bỏ chủ trương dự hướng ở lớp 10
Trong bản chính, nội dung 3 lớp học ở bậc THPT tương đồng, không còn chủ trương dự hướng ở lớp 10 như bản dự thảo lần 1. Chính vì vậy, số lượng môn học, tên môn học ở các lớp 10, 11, 12 là như nhau.
Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm; Nội dung giáo dục của địa phương. Môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn: Nhóm môn Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm môn Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật. Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.
Tổng số tiết học của mỗi năm là 1015 tiết, thấp hơn so với lớp 10 ở bản dự thảo lần 1 là 85 tiết, nhưng nhiều hơn lớp 11, 12 so với bản cũ là 30 tiết.
Những bất cập trong xét tuyển đại học năm 2017 hiện lên rất rõ