Bộ GD-ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Một trong những điểm đáng chú ý của Đề án là giáo dục từ cấp Tiểu học đến THCS chỉ có một luồng là giáo dục cơ bản với thời gian học tập là 9 năm. Hệ thống giáo dục THPT sẽ có điểm mới là được phân theo 3 luồng: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu với thời gian học là 3 năm.
Như vậy, học sinh từ cấp Tiểu học đến THCS phải học một chương trình giáo dục cơ bản bắt buộc với thời gian là 9 năm nhưng sang đến bậc THPT, các em có thể lựa chọn theo học theo 3 định hướng trên dựa theo sở thích, năng lực phù hợp.
Theo Bộ GD-ĐT, việc xây dựng Đề án được thực hiện trên cơ sở kế thừa hệ thống giáo dục hiện nay và học tập, nghiên cứu mô hình giáo dục tiên tiến ở các nước trên thế giới để giáo dục của Việt Nam tương thích với chuẩn quốc tế.
Các nước trên thế giới đều có quy định về giáo dục bắt buộc như là một sự cam kết của Nhà nước đối với quyền được đi học của trẻ em. Đa số các nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ đã quy định giáo dục bắt buộc tối thiểu là 9 năm. Nhiều nước đã đưa ra ngưỡng giáo dục bắt buộc là 12 năm nên việc định hướng, lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh sẽ bắt đầu từ khi các em bước chân vào cấp THPT.
Bộ GD-ĐT luôn khẳng định, không có trường chuyên, lớp chọn, phân ban ở cấp THCS nhằm giảm tải áp lực học hành, thi cử cho học sinh nên việc phân luồng theo định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu ở cấp THPT theo như Đề án là vừa khắc phục được tình trạng trên và vừa giúp học sinh phát huy năng lực toàn diện, tự học.
Mặc dù Đề án đã được Bộ GD-ĐT trình lên Thủ tướng Chính phủ và đang đợi xem xét, phê duyệt nhưng để thực hiện được Đề án này, chúng ta cần nhìn lại hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay để có giải pháp cho lộ trình thực hiện nếu Đề án được Chính phủ thông qua.
Nếu như từ năm 1996-2005, việc phân ban được thực hiện từ cấp THPT theo các dạng ban A (gồm các môn: Toán, Lý, Hóa), ban B (Toán, Hóa, Sinh), ban C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) thì đến năm 2006, việc dạy học phân hóa theo mô hình phân ban gần như không còn ý nghĩa mà bao trùm lên vẫn là phân hóa theo khối thi đại học.
Trước khi tiến hành phân ban ở bậc THPT, năm 2006, Bộ GD-ĐT đã cổ súy, ca ngợi rất nhiều về những thay đổi, điểm mới, ưu việt của chương trình, nội dung, sách giáo khoa phân ban. Nó sẽ khắc phục được những lạc hậu, hạn chế của chương trình cải cách giáo dục trước đây, thổi được khí thế, tinh thần giảng dạy, học tập mới cho cả thầy và trò. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả đến thời điểm này thì lại không như mong đợi.
Chương trình dạy học phân ban với nhiều nội dung, kiến thức của sách giáo khoa bị trùng lặp, nặng nề, hàn lâm, xa rời thực tế cuộc sống. Học sinh lệch lạc trong học tập, chỉ chọn và tập trung học những môn học để thi đại học. Các hoạt động hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống… chỉ mang tính chất hình thức, có cũng như không. Đổi mới phương pháp dạy học được nói đến nhiều nhưng bế tắc, kém hiệu quả trong quá trình triển khai.
Theo tổng kết của Bộ GD-ĐT, sau 3 năm triển khai đại trà phân ban, năm học 2008-2009, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học ban cơ bản (không phân ban), hơn 14% học ban Khoa học tự nhiên, xấp xỉ 2% học ban Khoa học xã hội.
Như vậy, có thể nói, việc chọn lựa học phân ban của học sinh ngày càng ít đi. Hiện nay, học sinh có năng khiếu và muốn học chuyên sâu vào một lĩnh vực, ngành nghề nào đó thường chọn tham gia thi vào các trường chuyên theo đạng khối chuyên Toán, Lý, Hóa...
Thực hiện một phần lộ trình của Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, sau năm 2015, sẽ thay thế dạy học phân ban ở bậc THPT bằng phân hóa theo hướng tự chọn. Bằng chứng là mới đây, Bộ đưa ra Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân với 3 luồng ở cấp THPT: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu.
Sự phân luồng trên như là phương hướng để học sinh lựa chọn môn học nhằm xác định ngành nghề phù hợp trong tương lai nhưng lại khiến chúng ta lo ngại về việc có thể quay lại mô hình kiểu dạng như phân ban đã từng tổ chức?
Nếu việc chia hệ thống giáo dục THPT theo 3 định hướng như trên thì thiết kế chương trình, môn học cho từng định hướng sẽ như thế nào? Dường như trong Đề án, Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra tên gọi của 3 luồng định hướng mà chưa chỉ rõ được nội dung, phân môn cơ bản, chủ yếu cho từng định hướng.
Ngoài ra, trong Đề án cũng không nêu được là một trường THPT phải dạy cả 3 định hướng trên hay phân ra từng loại trường dạy chuyên 1 định hướng khác nhau. Vì vậy, giáo viên, học sinh và phụ hynh rất khó có thể hiểu rõ việc học tập theo từng định hướng sẽ như thế nào.
Đề án lớn chưa duyệt mà đề án nhỏ đã triển khai có thể dẫn đến chắp vá
Hiện nay, ở các trường THPT trên cả nước chủ yếu vẫn giảng dạy đồng loạt theo chương trình cơ bản chung nên nếu thực hiện Đề án thì cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cần phải bổ sung, đổi mới rất nhiều.
Từ trước đến nay, ngành Giáo dục có rất nhiều giải pháp cho sự đổi mới nhưng dù thay đổi như thế nào thì người thầy giáo vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc dìu dắt, nâng cao chất lượng đào tạo. Thế nhưng, hiện nay, tiến trình đổi mới giáo dục ở hệ thống các trường sư phạm vẫn còn rất chậm chạp. Các trường còn ì ạch trong việc đào tạo giáo viên đạt chuẩn kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp…
Theo như Bộ GD-ĐT, Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân là nhằm phát huy năng lực, sở trường toàn diện của học sinh nhưng với cách giảng dạy vẫn còn nặng theo kiểu “thầy đọc- trò chép” như hiện nay thì có lẽ việc triển khai phân luồng học sinh theo định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu khó mà thực hiện được.
Mặt khác, Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông vẫn đang được triển khai với nhiều môn học nhưng lại chưa đề cập việc viết sách cho phân luồng học sinh theo 3 định hướng trên. Đề án này lại ra đời và triển khai trước khi có Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân liệu có ngược quy trình không?
Đáng lẽ ra, Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phải ra đời trước, rồi trình lên Chính phủ xem xét, phê duyệt thì lúc đó mới triển khai Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông cũng như Đề án Phát triển mạng lưới các trường sư phạm thì các địa phương, trường học mới căn cứ vào đó để thực hiện một cách khoa học, đồng bộ. Vì vậy, lo ngại về việc đề án nhỏ đi trước đề án lớn có thể dẫn đến tình trạng lắp ghép, bổ sung, chắp vá manh mún trong cải cách giáo dục là điều hoàn toàn có cơ sở./.