Tham gia tranh luận tại phiên họp Quốc hội sáng nay (2/6), đại biểu Thái Văn Thành, đoàn Nghệ An cho biết, có thể khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, nhà trường triển khai một cách đồng bộ, bài bản, khoa học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Chương trình hướng vào mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách học sinh, hình thành và phát triển kỹ năng hiện đại như là tin học, ngoại ngữ cho học sinh. Đặc biệt là tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giá trị sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước và xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc. Có thể nói, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình trong phiên họp ngày 1/6 về việc kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá và đảm bảo quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của người dân.
Theo đại biểu Thành, cần tăng cường công tác truyền thông rộng rãi trong nhân dân để phụ huynh, học sinh hiểu về hai loại sách giáo khoa. Thứ nhất là sách giáo khoa, đó là sách bắt buộc học sinh phải có khi đi học. Thứ hai là sách bổ trợ, tham khảo, loại sách này tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua.
Thực tiễn tại Nghệ An, đại biểu Thái Văn Thành cho biết, ngành giáo dục tại địa phương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường. Cùng với đó kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản sách giáo khoa cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học và sách dùng nhiều lần sẽ tránh được lãng phí.
Qua đó, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học.
Tranh luận về đề xuất của đại biểu Thái Văn Thành rằng, cần nói cho người dân hiểu rằng sách tham khảo không cần mua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Bình Định cho rằng, sách tham khảo học sinh không cần mua, thực tế nhiều bố mẹ có tâm lý mua các loại sách tham khảo chỉ để “con bằng bạn bằng bè”.
“Sách tham khảo là nguồn lợi lớn của các nhà xuất bản, cần hạn chế loại hình sách này. Tại nhiều nước trên thế giới, sách tham khảo chỉ giáo viên mới dùng nhằm làm phong phú thêm bài giảng, với học sinh tiểu học thì không cần thiết, nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, việc đổi mới SGK là đúng đắn, nhưng cách làm hiện nay chưa tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, nếu có cách làm tường minh, khoa học hơn, thì SGK sẽ trở lại đúng vị trí của nó.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, giá bán sách giáo khoa tăng vào thời điểm này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là gia đình thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa. Đại biểu tán thành với những giải trình và giải pháp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra để giảm giá sách giáo khoa.
Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ căn cứ vào đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có biện pháp hữu hiệu để quản lý giá sách giáo khoa - mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu. Việc này để tránh việc tăng giá tùy tiện, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, tạo dư luận không tốt.
Đại biểu đề nghị rà soát, tinh giản SGK theo hướng thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài sách giáo khoa bắt buộc phải có, số sách còn lại học sinh có thể tham khảo tùy vào điều kiện cụ thể và nhu cầu.
Đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, hiện nay số lượng đầu sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học quá nhiều. Trong đó, nhiều cuốn sách chỉ mang tính tham khảo nhưng phụ huynh không được hướng dẫn nên không biết có thể mua cuốn nào, không mua cuốn nào.
Để đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận SGK, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, đầu tư hỗ trợ thư viện sách giáo khoa dùng chung cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với sự đầu tư đó, học sinh có thể mượn sách miễn phí và trả lại sau khi kết thúc năm học./.