Những ngày gần đây vấn đề giá SGK theo Chương trình GDPT mới đang nhận được nhiều quan tâm từ dư luận. Trong đó không ít ý kiến phụ huynh, giáo viên phản ánh rằng giá SGK mới tăng cao gấp 2-3 lần so với giá SGK cũ.

Trao đổi bên lề Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Thức, đoàn Thanh Hóa, đồng thời là Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho rằng, các bộ phận thẩm định cần xem xét, đánh giá lại về giá sách mới, nhất là trong bối cảnh người dân vừa trải qua gần 3 năm dịch bệnh, điều kiện kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Cần có đánh giá lại xem có thể tinh giảm ở khâu nào giúp hạ giá thành hay không. Với những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các địa phương, nhà xuất bản cũng cần xem xét cơ chế hỗ trợ như tặng sách hoặc địa phương trích từ chính ngân sách miễn sao đảm bảo mọi học sinh đều có sách, chia sẻ những khó khăn với học sinh, phụ huynh”, đại biểu Trần Văn Thức kiến nghị.

Đại biểu cũng đính chính thêm rằng, thời gian qua có nhiều ý kiến lo ngại SGK mới không thể dùng lại, song thông tin này là không chính xác. Với một số lớp lần đầu áp dụng Chương trình GDPT 2018, thì việc mua mới SGK là điều đương nhiên và học sinh các khóa sau cùng học Chương trình mới này vẫn có thể dùng lại sách. Các nhà trường cũng nên khuyến khích học sinh dùng lại sách cũ nếu còn tốt, nhằm tránh lãng phí, giảm bớt khó khăn cho phụ huynh trong những năm học tiếp theo.

Theo dõi giải trình của đại diện Bộ GD-ĐT về giá SGK mới thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, giá SGK mới tăng cao có cả phần hợp lý và bất hợp lý. Đại biểu thừa nhận với sự biến động, tăng giá nguyên vật liệu đầu vào thời gian qua, thì hầu hết các ngành công nghiệp sản xuất đều bị ảnh hưởng, nhiều mặt hàng phải tăng giá, SGK cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, SGK là mặt hàng đặc biệt, đối tượng sử dụng sách rộng rãi bao gồm học sinh nhiều lứa tuổi, vùng miền khác nhau, từ nông thôn đến thành thị. Bởi vậy, nếu Bộ GD-ĐT không có cơ chế quản lý chặt giá SGK, để các đơn vị phát hành đơn phương tăng giá thì sẽ tạo nên những bất cập.

“Sau 2 năm chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là những gia đình lao động phổ thông, trực tiếp. Nếu giá SGK tăng cao sẽ tạo thêm gánh nặng cho những gia đình có con đi học, thậm chí là nhiều con đi học. Tôi cho rằng tăng giá sách trong thời điểm này là chưa hợp lý”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Cho rằng giá SGK sẽ tác động đến đông đảo đối tượng, đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, cần có sự khảo sát về giá sách trước khi phát hành. So sánh với một số quốc gia khác cùng thực hiện 1 chương trình nhiều SGK, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, trong khi các nước khi có nhiều bộ SGK sẽ đồng nghĩa với tăng sức cạnh tranh về chất lượng sách và cả giá, từ đó giá cả được giữ ở mức phải chăng, ổn định, nhưng tại Việt Nam, khi thực hiện chương trình mới, giá sách lại tăng mạnh là điều bất hợp lý.

“Với số lượng trang, bản in, chất lượng giấy, có thể tính ra ngay giá sách. Việc quản lý giá không quá khó khăn, cần kiểm soát để giá SGK - mặt hàng đặc biệt không bị đội lên quá nhiều so với giá trị thực bởi sẽ tác động đến đông đảo học sinh, phụ huynh”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh./.