Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (ngày 20/10) khẳng định lĩnh vực giáo dục – đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo

Theo đó, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; mạng lưới được mở rộng; cơ cấu đào tạo hợp lý hơn, quy mô và chất lượng được nâng lên. Chú trọng bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, nhất làvùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.

lamthu_ybra.jpg
Việt Nam hoàn thành trước hạn mục tiêu trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi (ảnh minh họa)

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vàthi tốt nghiệp trung học phổ thông,tuyển sinhcao đẳng, đại học. Tỉ lệ nhập học mầm non đạt mức cao; hoàn thành trước hạn mục tiêu trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi.Xã hội hoá giáo dục đào tạo được đẩy mạnh;thí điểm cơ chế tự chủ đối với một số trường đại học công lập. Chú trọng đào tạo nghề,tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,6% vào năm 2015.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lựckhoa học công nghệ.Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phân bổ lao động hợp lý.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, đánh giá kết quả, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề và giáo dục đại học.

Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Phát triển hợp lý giáo dục công lập và ngoài công lập. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho giáo dục phổ cập. Khuyến khích xã hội hoá đầu tư phát triển các trường chất lượng cao. Giao quyền tự chủ phù hợp cho các cơ sở giáo dục đào tạo.

Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo cho các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Có cơ chế đặc thù để tuyển chọn và trọng dụng nhân tài.

Cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT khắc phục hạn chế

Báo cáo “Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân” tại phiên khai mạc kỳ họp này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và việc làm, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm và đánh giá kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2015 đã thể hiện tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cũng như sự “vào cuộc” quyết liệt của ngành giáo dục và các địa phương để tổ chức thành công kỳ thi “hai trong một” đầu tiên này.

Tuy nhiên, việc xét tuyển đại học, cao đẳng với thời gian quá dài, một thí sinh được đăng ký, thay đổi nhiều nguyện vọng dẫn đến khó khăn cho nhiều trường đại học, tạo tâm lý lo lắng, bất an cho thí sinh và phụ huynh trong việc nộp, rút hồ sơ đăng ký nguyện vọng, chuyển trường; một số trường còn lúng túng trong việc xét tuyển đại học. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết rút kinh nghiệm về những bất cập và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng dạy thêm và học thêm ở các cấp học, đặc biệt là ở bậc tiểu học vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn;tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục công lậpdưới hình thức “đóng góp tự nguyện” của hội cha mẹ học sinh để xây dựng nhà trường gây bức xúc, khó khăn cho người dân.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh: Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ băn khoăn về việc các bộ, ngành hữu quan chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng  sinh viên ra trường nhiều năm nhưng vẫn chưa có việc làm.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp về đào tạo, sử dụng phù hợp để tránh để tình trạng lãng phí nguồn lực lao động đã được đào tạo cơ bản này./.