Trong năm đầu tiên triển khai kỳ thi THPT Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh có 8 cụm thi do các trường đại học chủ trì với tổng số thí sinh đăng ký dự thi gần 158.000 thí sinh.
Phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị cho kỳ thi “2 chung” này.
PV:Là một trong 8 cụm thi tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi này của Đại học Quốc gia thành phố diễn ra như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Đức Nghĩa:Với mức chuẩn 2 cán bộ coi thi cho 25 thí sinh, hiện nay với quy mô gần 25.000 thí sinh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động gần 2.500 cán bộ coi thi từ đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia.
Ngoài ra, chúng tôi còn huy động thêm các thầy cô giáo của các trường trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, để không xảy ra tình trạng thầy cô giáo phổ thông coi thi trúng học trò của mình, Sở Giáo dục – Đào tạo đã phân bố các thầy cô ở các cụm thi chéo nhau. Hiện nay, các cụm thi đang rất tất bật trong việc chuẩn bị cho trung tâm in sao đề thi vì năm nay, độ phức tạp của các môn thi rất cao. Với áp lực tiến độ của kỳ thi THPT Quốc gia yêu cầu việc chấm thi phải hoàn thành trước ngày 25/7 nên hiện các cụm thi đang phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố để có thể huy động đủ cán bộ chấm thi, đặc biệt là với các môn thi tự luận.PV:Đây là năm đầu tiên triển khai kỳ thi THPT Quốc gia. Những thay đổi này tác động như thế nào đến quá trình chuẩn bị của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thưa ông?
TS Nguyễn Đức Nghĩa:Năm nay, các cụm thi do các trường đại học chủ trì được giao nhiệm vụ mà trong đó phần lớn các nhiệm vụ như thế này trước đây đều do các sở giáo dục-đào tạo làm.
Nhìn lại quy trình thi THPT Quốc gia chúng ta sẽ thấy, hiện nay, các sở giáo dục -đào tạo, các trường trung học phổ thông chỉ làm khâu đầu và khâu cuối, những công đoạn ở giữa kỳ thi do các trường đại học làm. Đây là điều rất mới đối với các trường đại học.
Trước đây, khi các trường ĐH, CĐ tổ chức thi, kỳ thi tuy khá nặng nề nhưng về mặt tổ chức lại đơn giản. Thí sinh dự thi vào trường nào sẽ phải đăng ký dự thi trước vào trường đó. Thí sinh thi theo môn, theo khối nên đề thi không quá phức tạp và thí sinh không phải di chuyển trong các buổi thi. Trong khi đó, năm nay, các cụm thi do trường đại học chủ trì phải giữ vai trò như một sở giáo dục, các trường đại học phải học lại quy trình tổ chức của kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây.
Năm nay, do thí sinh có quyền tự chọn môn thi nên thí sinh tham gia từng môn thi rất khác biệt. Khó khăn thứ hai là hiện nay, vì phần mềm của kỳ thi THPT Quốc gia là phần mềm dùng chung cho nên những điều chỉnh của thí sinh phải được các nơi tiếp nhận dữ liệu liên thông với nhau.
Một điểm khó khăn nữa là hiện nay, các quy định định mức về tài chính cũng chỉ mới vừa được công bố. Căn cứ trên các định mức trước đây định mức tài chính bao gồm phần lệ phí thí sinh nộp lúc dự thi cộng thêm phần hỗ trợ kinh phí từ liên bộ Tài chính và Giáo dục.
Chúng tôi đang chuẩn bị lên các dự trù tài chính sao cho phần bù lỗ của nhà nước ít nhất, đồng thời cũng không yêu cầu thí sinh đóng góp thêm chi phí cho kỳ thi.
PV:Vậy Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có kiến nghị gì liên quan đến kỳ thi sắp tới không thưa ông?
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Một kỳ thi ở cấp độ quốc gia với quy mô hàng triệu thí sinh là một kỳ thi rất lớn. Do vậy, các chủ trương, chính sách cần sớm được ban hành để các đơn vị được phân công biết được nhiệm vụ và chi tiết các công việc của mình, từ đó có thể chuẩn bị thật tốt. Chúng tôi rất cần những định hướng không chỉ cho kỳ thi năm nay mà còn cho những kỳ thi trong những năm tới.
Ví dụ: Tổng thể chủ trương xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có tiếp tục được giữ ổn định như năm 2015 hay không? Phương thức tổ chức thi, kỹ thuật thi dự kiến sẽ có những thay đổi gì?…
Theo chúng tôi, những điều này cần sớm được công bố để không chỉ các trường đại học, cao đẳng chuẩn bị tốt khi tham gia vào kỳ thi chung mà còn giúp cho thí sinh, học sinh chuẩn bị trước cách học, cách ôn tập của mình để các em có thể đạt kết quả cao nhất.
PV:Vâng, xin cảm ơn ông!./.