Những năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) thường chia kỳ nghỉ hè của con làm 2 đợt, trong đó, khoảng 1 tháng đầu của kỳ nghỉ, vợ chồng chị thường đưa con về quê chơi với ông bà 2 bên nội ngoại ở quê Thái Bình. Chị Hà mong muốn con có thêm nhiều không gian, trải nghiệm cuộc sống thực tế ở làng quê và đây cũng là cách để con tăng thêm sự kết nối với ông bà, cô dì chú bác. Thời gian còn lại của kỳ nghỉ hè, chị Hà thường cho con tham gia các lớp học năng khiếu như học vẽ, đàn, học bơi và cả ôn tập lại kiến thức cũ để chuẩn bị bước vào năm học mới. Thế nhưng mùa hè năm nay mọi kế hoạch của gia đình chị Hà có lẽ đều sẽ phải thay đổi.
“Trước khi Hà Nội có quyết định cho các con nghỉ hè từ 15/5, nhiều ngày nay, con đã phải học online tại nhà, nên khi có thông tin sẽ được nghỉ hè, con cũng thích nhưng không quá hào hứng như những năm trước, bởi có được nghỉ, thì mọi hoạt động cũng chỉ diễn ra tại nhà. Dịch bệnh nên các con cũng không thể về quê với ông bà. Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, các con ở nhà để xem TV, chơi game cả ngày, tự ăn trưa theo những món mẹ đã chuẩn bị từ sáng trước khi đi làm. Nếu dịch bệnh không khả quan hơn, các con phải ở nhà cả ngày sẽ rất chán, bố mẹ vẫn phải đi làm, nên việc phụ thuộc vào game online hay các thiết bị công nghệ là rất lớn”, chị Hà lo ngại.
Nhiều ngày nay, khi Hà Nội quyết định cho học sinh học online để phòng dịch, chị Nguyễn Minh Anh (Đống Đa, Hà Nội) vẫn phải để con ở nhà một mình, thi thoảng chị lại gọi điện về kiểm tra, hoặc nhờ hàng xóm sang nhắc nhở con việc học, ăn uống đúng giờ…Việc con ở nhà một mình để học online phần nào được vào nề nếp, con quen dần với việc tự phục vụ bản thân, tự học, tự chơi một mình, thế nhưng khi nghỉ hè, không còn phải tham gia các tiết học trực tuyến, 100% là thời gian rảnh, việc làm thế nào để con ở nhà mùa dịch an toàn, nhưng lại không quá nhàm chán là vấn đề khiến chị Minh Anh đau đầu.
“Khi con học online, ít nhất vẫn có những việc bắt buộc phải làm, có sự giám sát từ xa của cô giáo. Nhưng nghỉ hè, các con không phải học, bố mẹ cũng không có nhà, cả ngày bắt trẻ ở nhà tự chơi sẽ rất bí bách, dễ khiến con phụ thuộc, thậm chí nghiện các thiết bị công nghệ như điên thoại, ipad…Nếu phải ở nhà dài ngày do dịch, nhiều gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trông con”, chị Minh Anh cho biết.
Lên kế hoạch từng ngày cho con
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, trường ĐH Khoa học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, trong thời gian trẻ nghỉ hè nhưng lại phải hạn chế ra ngoài do dịch bệnh, bài toán khó nhất dành cho các bậc phụ huynh là làm sao để con không cảm thấy chán khi ở nhà quá nhiều, bên cạnh đó vẫn phải giúp trẻ duy trì được những thói quen tốt, không chìm đắm vào không gian mạng, các thiết bị công nghệ như ipad, máy tính, TV.
“Lời khuyên dành cho bố mẹ là cần giúp con xác định trong thời gian nghỉ học con cần làm gì, bố mẹ nên cùng con thảo luận, xây dựng một lịch sinh hoạt mới, cân bằng và phù hợp, vừa có các hoạt động mang tính tư duy, các hoạt động vận động thể chất, kết nối xã hội hoặc những việc thể hiện trách nhiệm của bản thân trong gia đình như làm việc nhà… Khi các con phải ở nhà dài ngày sẽ rất dễ có tâm lý chán nản, trẻ nhỏ được khuyến cáo không nên sử dụng các thiết bị công nghệ quá nhiều, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay khi các con phải ở nhà dài ngày do dịch bệnh, việc áp dụng những quy tắc một cách nghiêm ngặt như 1 ngày được dùng máy tính, điện thoại 1 hay 2 giờ là điều rất khó. Bởi khi bố mẹ không ở nhà, các con vẫn có thể tự truy cập. Bố mẹ có thể cho phép con vào mạng nhưng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Lấy ví dụ cụ thể, PGS.TS Trần Thành Nam gợi ý, khi con ở nhà dài ngày, bố mẹ có thể ra nhiệm vụ, yêu cầu để con làm việc nhà, chăm sóc cây cối, buổi sáng tập thể dục, vận động theo các bài tập trên youtube, hướng dẫn con làm những món đồ chơi đơn giản...
Đặc biệt, sau mỗi ngày làm việc, bố mẹ cần dành thời gian buổi tối để chơi, nói chuyện với con để biết 1 ngày ở nhà của con diễn ra thế nào, dành những lời khen ngợi, phần thưởng để khích lệ khi con hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà bố mẹ giao cho.
“Thời gian không ở bên con, phụ huynh nên giúp con xây dựng các kế hoạch cụ thể, viết ra giấy những hành động bố mẹ kỳ vọng ở con, những kế hoạch ấy cũng phải được dán ở nơi dễ nhìn, để trẻ thấy như một lời nhắc nhở của bố mẹ”, PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên.
Chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý, trong thời gian con ở nhà một mình, việc đảm bảo an toàn cho trẻ trên môi trường mạng là rất quan trọng, do đó bố mẹ cần định hướng con nên làm gì khi vào mạng. Thực tế, khi vào mạng, trẻ có thể truy cập vào những website xấu, trong đó tiềm ẩn cả những thông tin có hại cho trẻ. Để ngăn ngừa tình trạng này, phụ huynh nên sử dụng một số biện pháp công nghệ để kiểm soát, cài đặt các trình duyệt hoặc tính năng loại bỏ các nội dung không phù hợp với trẻ.
Dạy con cách tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết
Khi trẻ ở nhà một mình, việc đảm bảo an toàn, phòng tránh những tai nạn thương tích cũng là điều đặc biệt quan trọng. PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, tùy điều kiện mỗi gia đình cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở nhà nghỉ hè mùa dịch, tốt nhất nên có người lớn ở cạnh trẻ. Trong nhiều trường hợp các gia đình không có điều kiện bố trí người ở nhà trông con, bố mẹ có thể giám sát từ xa nhờ vào các thiết bị công nghệ, nhưng vẫn cần đặc biệt lưu ý dạy con các kỹ năng đảm bảo an toàn, kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp nguy hiểm. Bố mẹ nên cung cấp cho con không phải 1 mà nhiều số điện thoại để có thể gọi khi có trường hợp cần sự giúp đỡ hoặc xảy ra những sự cố khẩn cấp.
Bên cạnh đó, khi trẻ ở nhà một mình sẽ có xu hướng hiếu động, nghịch ngợm nhiều hơn, bố mẹ cần có những biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khỏi những tai nạn thương tích như bịt các ổ điện trong tầm với, bọc các góc bàn nhọn, các vị trí dễ trơn trượt cần có thảm chống trơn, khóa các vòi nước nóng, bồn tắm khi trẻ ở nhà một mình…/.