Trúng tuyển vào trường chuyên là mong ước của nhiều phụ huynh và học sinh. Cuộc đua vào trường chuyên chưa bao giờ hết cam go, theo số liệu thống kê, một số trường chuyên năm nay có tỷ lệ chọi lên đến 1/30, tức cứ 30 em thi mới chọn ra 1 em trúng tuyển. Cảm giác lo lắng, hồi hộp không phải chỉ của thí sinh mà còn là nỗi niềm của phụ huynh.
Ngày 17/6, các thí sinh đăng ký thi THPT chuyên Sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội) bước vào kỳ thi chuyên. Năm học 2021 - 2022, trường THPT chuyên Sư phạm tuyển 305 chỉ tiêu lớp 10 hệ chuyên, trong khi đó, số lượng hồ sơ nộp về là 5.095. Lớp chuyên Anh có tỷ lệ chọi cao nhất là 1/29,7, các lớp chuyên Hóa học, Ngữ văn cũng có tỷ lệ chọi trên 20, cá biệt duy nhất lớp chuyên Toán có tỷ lệ chọi dưới 10.
Đội nắng đợi con ra khỏi phòng thi, chị Trần Thanh Thủy (Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi thấp thỏm. Con gái chị Thủy đăng ký thi chuyên Anh, lớp có tỷ lệ chọi cao nhất trường.
"Từ khi biết số lượng hồ sơ và tỷ lệ chọi của trường, con rất lo lắng, học ngày học đêm. Ngay sau khi kết thúc kỳ thi chung, lại tiếp tục thi THPT chuyên Nguyễn Huệ và chuyên Sư phạm. Những ngày đi thi con cũng vẫn miệt mài ôn bài. Vừa thi xong về đến nhà lại mở sách ôn tập để chuẩn bị thi chuyên.
Thi chuyên là nguyện vọng của con, bố mẹ không hề ép hay có sự định hướng. Nhưng khi con quyết định thì tôi luôn ủng hộ hết mình. Việc con dám thi chuyên, phần nào khiến bố mẹ cảm thấy vui vì con có định hướng riêng và biết nỗ lực nhưng cũng thương con nhiều hơn vì phải học hành quá căng thẳng.
Với tôi, chuyện con đỗ hay không cũng không quan trọng, nên tôi luôn nói với con rằng coi đây như một sân chơi thử sức, đừng nghĩ đó là một cuộc đua khốc liệt sống chết để vào bằng được”, chị Thủy chia sẻ.
Với chị Thủy, điều hiện tại chị cho lắng nhất là sức khỏe và tinh thần của con khi phải học ngày cày đêm và trải qua kỳ thi dài ngày. “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường điều chỉnh lịch thi khá sát nhau, nên việc đi thi chuyên của các con cũng vất vả hơn những năm trước. Bố mẹ không thể thi cùng con, nên chỉ còn cách động viên, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho con”, chị Thủy nói.
Đợi con ở cổng trường thi THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Chị Trần Minh (Thanh Xuân) vội chạy đến che ô cho con trong cái nắng rát buổi trưa. Câu đầu tiên chị hỏi không phải đề thi thế nào, khó hay dễ, con có làm được bài hay không, mà là “mệt không con, về nhà thôi, thi xong rồi”.
Chị Minh chia sẻ, chị thấu hiểu những căng thẳng và áp lực mà các con đang trải qua mỗi kỳ thi, bởi vậy, trong gia đình chị, bố mẹ luôn đồng hành cùng con, không yêu cầu con phải đạt thành tích nọ kia, những câu chuyện về “con nhà người ta” có lẽ cũng ít xuất hiện trong bữa cơm gia đình.
“Điều quan trọng là cổ vũ con để con tìm được đam mê của mình và luôn nỗ lực phấn đấu. Mỗi con có một năng lực khác nhau, bố mẹ đương nhiên có kỳ vọng, nhưng kỳ vọng theo sức học của con, không áp đặt và cũng không tạo sức ép cho con”, chị Minh chia sẻ.
Cùng con đi từ Sơn Tây vào nội thành Hà Nội thuê nhà trọ để thi trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, anh Khuất Kế Bình chia sẻ, ngay sau khi kết thúc 2 ngày thi chung của Sở GD-ĐT Hà Nội, bố con anh đã khăn gói để vào nội thành thuê nhà trọ, chuẩn bị cho con thi chuyên.
Anh Bình chia sẻ, trước kỳ thi, do ảnh hưởng của dịch bệnh, không thể đến trường học trực tiếp, ngày nào con gái anh cũng học từ sáng đến khuya, nhiều hôm dậy từ sáng sớm để tiếp tục ôn thi. Nguyện vọng của con là thi chuyên Toán THPT chuyên Sơn Tây và chuyên Toán của THPT chuyên Khoa học tự nhiên.
“Con học miệt mài ngày đêm, đến khi đi thi xa nhà cũng vất vả hơn, nhưng cả 2 bố con cùng cố gắng. Nếu hỏi bố mẹ có kỳ vọng hay hy vọng con đỗ chuyên hay không thì có chứ. Sau bao ngày học tập vất vả, bố mẹ nào cũng mong con đạt được kết quả như mong muốn, nhưng tôi vẫn nói với con rằng, nếu không đỗ trường ngày thì đỗ trường khác, học tập là cả quá trình, chứ không thể quyết định bằng một kỳ thi. Nếu giỏi thì học trường thường hay trường chuyên vẫn giỏi, cơ hội tương lai của con còn ở phía trước. Bản thân các con vẫn luôn rất áp lực, nên bố mẹ vẫn nói rằng hãy coi kỳ thi như một trải nghiệm, cố gắng để không phải hối hận, còn khi đã nỗ lực hết mình thì kết quả ra sao không quan trọng”./.