Thời nay, người ta đã quá quen với khái niệm “cò” nên thoạt nghe, sự xuất hiện của loại “cò” này cũng không mấy khó hiểu. Tuy nhiên, khái niệm “cò” vốn dùng để chỉ những người có hành vi không đàng hoàng, nhăm nhăm kiếm tiền đút túi một cách không chính đáng. Vậy nên, khi báo chí đưa tin,  “cò” nộp phạt lại chính là cán bộ thanh tra giao thông quận Ba Đình, Hà Nội thì dư luận không thể nào hiểu nổi(!?).

Chuyện nghe cứ như đùa. Chỉ cần mất “phí dịch vụ” 50.000 đồng, người vi phạm luật giao thông có thể khoán trắng việc nộp phạt cho cán bộ thanh tra giao thông. Người vi phạm nhờ vậy sẽ không phải mất thời gian đi nộp phạt. Cũng đồng nghĩa với việc họ không phải bận tâm suy nghĩ hay ăn năn về lỗi vi phạm mà mình vừa mắc phải.  Còn với cán bộ thanh tra giao thông “cam phận” làm “cò” thì với hàng trăm biên bản vi phạm mỗi ngày, số tiền thu được chắc chắn không hề nhỏ. Với tư thế cán bộ thanh tra giao thông, trang phục và biển hiệu đàng hoàng, những cán bộ “cò” này hoạt động công khai, không lén lén lút lút như các loại “cò” khác, nên càng được người có hành vi vi phạm tin tưởng thỏa thuận và đưa tiền. 

giao-thong-1.jpg

Thanh tra giao thông quận Ba Đình đỗ xe giữa lòng phố cấm (ảnh chụp trên phố Quán Thánh ngày 19/4)

Sự công khai của loại “cò” này đang rất phản tác dụng đối với ý nghĩa của việc xử phạt người tham gia giao thông có hành vi vi phạm. Bởi việc thanh tra giao thông “tiếp tay” cho những người vi phạm sẽ làm cho tính răn đe, giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa của quyết định xử phạt đối với người vi phạm sẽ không còn sức nặng, hậu quả nhãn tiền là sẽ tạo nên hiệu ứng “nhờn” luật.

Tại sao lại để xảy ra hiện tượng đáng buồn kể trên?

Để trả lời câu hỏi này, không thể không lưu tâm đến tình trạng cán bộ thanh tra giao thông vi phạm luật giao thông thời gian gần đây với tần suất không bình thường. Ngay trước cổng Đội thanh tra giao thông quận Ba Đình trên phố Quán Thánh, không khó để bắt gặp hình ảnh xe của thanh tra giao thông đỗ chình ình ngay giữa lòng phố cấm đỗ. Cũng mới đây, dư luận bất bình trước việc 3 ô tô công của thanh tra giao thông nối đuôi nhau đỗ trước cửa quán bia trên đường phố cấm đỗ Trần Duy Hưng.

Trưa 12/4, một nhóm thanh tra giao thông đi trên 3 ô tô đỗ trước cửa quán bia trên phố Trân Duy Hưng (Hà Nội)

Câu chuyện trở nên hài hước khi ông Đội trưởng Thanh tra Cầu đường bộ (Thanh tra giao thông Hà Nội) Vũ Mạnh Huề phân bua rằng,  vì bảo vệ bảo cứ để đó họ trông cho nên ông cũng hồn nhiên nghe theo(?!). Rồi vì vào quán bia nên khi chủ quán cứ mang bia ra mời thì ông cũng uống… nửa cốc(?!). Ông Đội trưởng thường ngày khó tính và nghiêm nghị là thế, bỗng dưng dễ tính đến mức người khác bảo sao thì nghe vậy, thật khác thường! Và với gương mặt đỏ, sau khi rời quán, ông lại đi đo độ cồn của người tham gia giao thông, lạ thay!..

Trong khi Đề án thu phí ô tô để hạn chế phương tiện cá nhân còn đang gây nhiều tranh cãi và ngành giao thông vẫn loay hoay để tìm giải pháp cho việc thiết lập trật tự an toàn giao thông, việc nhiều cán bộ Thanh tra giao thông có hàng loạt hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giao thông diễn ra công nhiên trước bàn dân thiên hạ là không thể chấp nhận được, bởi nó rất phản cảm, phản tác dụng. Một khi những người được giao trách nhiệm thực thi pháp luật, giữ gìn trật tự giao thông lại công khai xâm hại ngay chính trật tự đó thì chắc chắn trật tự đó sẽ bị xem thường và trở nên… hỗn loạn./.