Dạy và học online bình thường vốn đã vất vả cho cả thầy và trò, dạy học cho trẻ khuyết tật lại càng trở nên khó khăn hơn. Thế nhưng vì muốn các em được tiếp thu bài học một cách trọn vẹn nhất, cô Đàm Thị Mỹ Ngọc, giáo viên Trường Hy vọng (Quận 6. TP.HCM) cùng nhiều thầy cô giáo khác đang ngày đêm nỗ lực đưa bài giảng đến với các em khuyết tật.
Cái duyên với trẻ khiếm thính
Vừa nói vừa liên tục ra ký hiệu tay cho học sinh qua chiếc máy tính nhỏ, đó là công việc mà hơn 2 tháng qua, cô Đàm Thị Mỹ Ngọc, giáo viên tại Trường Hy Vọng (Quận 6, TP.HCM) làm mỗi ngày để tương tác, đưa bài giảng online đến với các em học sinh khiếm thính.
Thời gian đầu chưa quen, cả cô lẫn trò đều chật vật bởi nhiều nguyên nhân như đường truyền mạng yếu, học sinh chưa quen thao tác sử dụng thiết bị học trực tuyến, gia đình không có người kèm cặp…
Tuy rằng có vất vả hơn, nhưng cô Ngọc vẫn cảm thấy vui vì được chứng kiến học sinh của mình tiến bộ hơn mỗi ngày. Hơn nữa, việc dạy học trực tuyến cũng giúp cô Ngọc đưa những hình ảnh hoặc video bài giảng giúp học sinh dễ hình dung và hứng thú hơn.
Ít ai biết, mong muốn ban đầu của cô Ngọc chỉ là một giáo viên dạy học cho những trẻ em bình thường. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm thành phố năm 2000, cô Đàm Thị Mỹ Ngọc được nhận về dạy trẻ khiếm thính tại Trường khuyết tật thính giác Hy Vọng I. Đến năm 2007, cô chuyển về công tác tại trường Hy Vọng Quận 6 và tiếp tục đồng hành cùng các em khiếm thính tại đây cho tới nay.
Gia đình có anh trai là người khiếm thính nên cô Ngọc hiểu và đồng cảm được phần nào với học sinh của mình. Thậm chí, cô còn được anh mình dạy các ký hiệu để có thể thuận tiện trong giao tiếp. Trong suốt thời gian qua, cô đã giúp cho nhiều thế hệ học sinh tìm thấy niềm vui trong học tập, trưởng thành và tự tin hơn khi hòa nhập với cộng đồng.
Với cô Ngọc, hành trình gắn bó với trẻ khiếm thính là sự lựa chọn đúng đắn: “Mới đầu, gia đình cũng không ủng hộ lắm. Nói tại sao con không đi dạy những trẻ bình thường mà đi dạy trẻ khuyết tật chi cho cực. Nhưng mình nói con không biết sao chắc có lẽ là có duyên, mà khi tiếp xúc với các em hiểu được mình nói gì, thấy phát triển được mình thấy hay nên mình muốn giúp các em khuyết tật”.
Hạnh phúc giản đơn
Cô đưa ra nhiều phương pháp giúp học sinh nói và viết thành câu nhiều hơn, giúp các em rèn luyện kỹ năng tính toán, tiếp thu và nhận biết được nhiều sự vật.
Với vai trò là Tổ trưởng chuyên môn của tổ khiếm thính Trường Hy Vọng Quận 6, cô Ngọc được đồng nghiệp và ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao không chỉ về chuyên môn, mà còn ở sự nhiệt tâm, tận tụy khi hướng dẫn đồng nghiệp cùng tham gia giúp đỡ các em khiếm thính.
Thầy Phạm Hoàng Nam Huân, Phó Hiệu trưởng trường Hy Vọng Quận 6 bày tỏ: “Về chuyên môn, cô Ngọc rất vững, đặc biệt, trong việc hỗ trợ học sinh khiếm thính về ngôn ngữ ký hiệu, cô đã giúp nhà trường rất nhiều trong việc dạy cho học sinh, mà không chỉ cho học sinh mà còn cho giáo viên nhà trường. Cho nên nhà trường và ban giám hiệu khi giao nhiệm vụ gì cho cô Ngọc thì chúng tôi cũng rất yên tâm”.
Những bài giảng hấp dẫn, mới mẻ của cô Ngọc không chỉ mang lại sự say mê tìm tòi, hứng thú cho các em khiếm thính, mà cả phụ huynh học sinh cũng rất quan tâm. Nhìn thấy niềm vui trong mỗi giờ học và sự tiến bộ của con mỗi ngày, chị Phạm Thị Bé, có con đang học lớp 3 do cô Ngọc phụ trách 2 năm qua xúc động nói: “Cô dạy dễ hiểu, mẹ cũng hiểu xong rồi chỉ lại cho bé. Cô cũng hết lòng với bé. Tôi gửi lời tri ân đến cô nhiều sức khỏe để dìu dắt đứa con của mình khiếm khuyết qua những năm tháng đầu đời có cô dìu dắt cũng tốt hơn”.
Hơn 20 năm gắn bó với trẻ em khiếm thính, cô Đàm Thị Mỹ Ngọc đã chứng kiến sự trưởng thành của từng em, mỗi em là một câu chuyện khác nhau. Với cô Ngọc, những dòng tin nhắn, những bức vẽ của học trò gửi tặng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là món quà đơn sơ mà quý giá, giúp cô có thêm động lực gắn bó với nghề: “Những em mình không còn dạy nữa thì bây giờ các em tự vẽ thiệp, chụp hình gửi qua Facebook cho mình chúc mừng cô, thiệp này tự tay em vẽ. Mình cảm thấy vui vì các em vẫn còn nhớ tới mình. Thậm chí có em vẽ xong chạy tới nhà gửi cho cô”.
Trái tim yêu nghề đã khiến mọi nhọc nhằn trở thành niềm vui. Vừa dạy học, cô Ngọc vừa nắm bắt tâm lý học sinh, nhớ cả hoàn cảnh gia đình của từng em, để có thể kịp thời giúp đỡ. Với cô Ngọc, cái được nhiều nhất là niềm hạnh phúc khi những đứa trẻ khiếm thính có thể hòa nhập và đứng vững trên đôi chân mình để bước vào đời.
Đó cũng là tâm niệm của rất nhiều thầy cô giáo vẫn đang từng ngày nỗ lực đưa những em nhỏ khuyết tật hòa mình với cộng đồng, trở thành những người có ích./.