Một đoạn clip vừa đăng trên mạng xã hội, ghi lại cảnh cô giáo dùng dép tổ ong tát vào mặt và thúc đầu gối vào bụng trẻ mầm non ngay tại lớp khiến nhiều người bức xúc. Sự việc được xác định là xảy ra tại nhóm lớp Sen Vàng (phường Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nhận định về vụ việc này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, sau khi vụ việc xảy ra, ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, điều tra vụ việc là giải pháp kịp thời để ngăn chặn việc giáo viên bạo hành với trẻ nhỏ.

“Việc đình chỉ giảng dạy đối với các cô giáo là hoàn toàn đúng vì họ phải chịu trách nhiệm trước những hành vi của mình. Chúng ta không nên vì thương xót một người để rồi những giáo viên khác cho rằng, sự việc bạo hành đối với trẻ nhỏ là rất đơn giản nên lại vi phạm. Việc xử lý nghiêm giáo viên có hành vi ngược đãi đối với trẻ cũng là răn đe đối với chính người đó, đồng thời cũng là bài học giáo dục đối với những giáo viên khác” – ông Tùng Lâm nói.

sen_vang_3_izll.jpg
Nhóm lớp Sen Vàng (phường Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Điều đáng quan tâm là ngay tại trung tâm Hà Nội lại xảy ra sự việc giáo viên có những hành vi sai phạm như ở nhóm lớp Sen Vàng, tình trạng bạo lực với trẻ mầm non vẫn diễn ra là điều không thể chấp nhận được.

Vì vậy, ngành Giáo dục phải xem xét lại trình độ, kỹ năng sư phạm và đạo đức nghề nghiệp của các cô giáo đến đâu và vì sao các cô lại vi phạm những điều đó. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại hoạt động của nhóm lớp Sen Vàng sao lại để giáo viên có thể tùy ý bạo hành đối với trẻ và số lượng vi phạm là bao nhiêu.

Trẻ bị đánhcần được tiếp tục thăm khám, theo dõi về tâm lý

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, để ngăn chặn việc giáo viên có hành vi bạo lực với trẻ nhỏ thì trước khi tuyển dụng, các thầy cô giáo phải ký cam kết không được sử dụng bạo lực học đường, xâm phạm thân thể và tinh thần đối với trẻ nhỏ.

Trẻ em ở độ tuổi mầm non vẫn còn non nớt về tâm lý, chưa có nhiều kỹ năng và tự túc làm được nhiều việc. Đây là những điều hết sức bình thường. Giáo viên phải có tình thương yêu, trách nhiệm hướng dẫn cho trẻ cách thức làm được một số việc mà các em chưa ý thức và quen ngay được. Các cô giáo không nên lấy việc trẻ chưa quen làm một việc nào đó là sự bực mình, khó chịu và có sự bạo hành đối với trẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội

Đối với những trẻ em bị bạo hành sẽ có những tổn thương về tinh thần nên cần được tiếp tục thăm khám, theo dõi về tâm lý để các cháu trở về trạng thái bình thường.

Với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, ngành Giáo dục cần phải kiểm tra kỹ, thường xuyên hơn điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giảng dạy, chăm sóc trẻ. Mặt khác là cũng cần kiểm trình độ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, phương pháp ứng xử với trẻ em của người đứng ra mở trường và các giáo viên. Những yếu tố này phải được tiếp tục kiểm soát cả trong quá trình cơ sở mầm non đang hoạt động./.