Giống như nhân vật Dorothy Gale trong truyện cổ “Pháp sư siêu phàm xứ Oz”, cách đây 3 năm cô gái trẻ xinh đẹp Dorothy Joan Kearney đã rời quê hương Anh quốc để đến với Việt Nam - vùng đất tươi đẹp “bên kia cầu vồng” với hi vọng tìm thấy niềm đam mê của cuộc đời. Sau hơn 2 năm sinh sống và giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, giờ đây Dorothy đã tìm thấy niềm đam mê trở thành một giáo viên dẫn dắt thế hệ trẻ tài năng.
Dorothy và cuộc hành trình kiếm tìm đam mê tại “xứ sở diệu kì”
Năm 2013, Dorothy Kearney đã hoàn thành xuất sắc chương trình Cử nhân ngành Lịch sử Nghệ thuật của trường ĐH Leeds - Anh quốc. Cũng như bao bạn trẻ khác, Dorothy cảm thấy rất băn khoăn trong việc định hướng tương lai, nhất là khi gia đình cô có truyền thống nhiều thế hệ đều làm giáo viên: từ bà, bố, mẹ cho tới chị gái.
Chân dung cô giáo Anh quốc “bước ra từ cổ tích” Dorothy Joan Kearney |
Chưa hề có kinh nghiệm giảng dạy, Dorothy không thể xác định được liệu nghề giáo có phải là niềm đam mê thực sự của mình hay không. Giống với một Dorothy Gale thích tìm tòi khám phá cái mới và ưa thử thách đã phiêu lưu đến xứ Oz, Dorothy Kearny đã lên đường với quyết tâm tìm ra câu trả lời cho chính mình.
Sau 3 năm tại Việt Nam và đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc phụ trách học thuật của Trung tâm Ngoại ngữ E-connect Hà Nội, Dorothy nhận ra rằng cô đã đem lòng yêu mến đất nước, con người, yêu cuộc sống nơi đây và quan trọng hơn cả, cô thực sự yêu thích nghề giáo như một đam mê mãnh liệt của mình.
Từ cô giáo trẻ bỡ ngỡ đến “thần tượng” của học sinh
Thời gian đầu đến với “xứ sở diệu kì”, do chưa có kinh nghiệm giảng dạy nên khó khăn lớn nhất với Dorothy là việc phải nhanh chóng đáp ứng với yêu cầu công việc, phải tự rèn luyện bản thân và không ngừng học hỏi. Cô luôn cố gắng đầu tư thời gian và công sức chuẩn bị những bài học thú vị và hấp dẫn nhất có thể để thu hút các em, khiến cho mỗi buổi dạy, mỗi một ngày lên lớp, mỗi một tuần học đều vô cùng độc đáo.
Cô giáo Dorothy (ngoài cùng bên phải) tự hào cùng đồng hành với các em học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam hệ THCS trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh |
Dorothy cởi mở chia sẻ rằng, cô không muốn là một giáo viên quá nghiêm khắc hay quá thoải mái với học sinh. Thực tế Dorothy luôn linh hoạt kết hợp hai phong cách này trong khi giảng dạy. Cô luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nội quy lớp học bởi điều này rất quan trọng trong việc giáo dục các em ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, Dorothy cũng rất thoải mái với học sinh để tạo sự gần gũi, thân thiện, nhờ đó các em có thể tự tin chia sẻ suy nghĩ của mình về môn học.
Đặc biệt với học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam hay THPT Lý Thái Tổ là những em học sinh có tư duy logic và khả năng diễn thuyết tiếng Anh giỏi, Dorothy tập trung vào hai kỹ năng rất quan trọng khác mà không phải người thầy nào cũng lưu ý tới, đó chính là tư duy đột phá và tư duy lãnh đạo - hai kỹ năng đặc biệt cần thiết với thế hệ trẻ của thời đại mới. Chính nhờ phương pháp giảng dạy kết hợp kỹ năng mềm độc đáo này mà Dorothy đã trở thành “thần tượng” trong lòng các em học sinh.
Em Trần Kiên Trung, học sinh lớp 10C trường THPT Lý Thái Tổ nhận xét: “Cô Dorothy có cách tiếp cận chủ đề bài học rất sáng tạo và lý thú. Vẫn là các bài học trong sách giáo khoa, nhưng cô lại dạy thông qua những trò chơi, buổi tranh luận, các buổi dã ngoại thực tế, khiến tiếng Anh không còn là một môn học nữa mà là một thế giới ai cũng muốn khám phá”.
Cô giáo Trần Thị Thúy Hằng, trợ giảng của cô Dorothy tại lớp 10C trường THPT Lý Thái Tổ chia sẻ: “Các thầy cô của E-connect rất trẻ trung và năng động, phương pháp làm việc cũng rất khoa học và dễ tạo thiện cảm vì thế chất lượng giảng dạy cũng được nâng cao. Như tại lớp 10C, các em rất yêu quý cô Dorothy và kết quả thực tế của các em năm vừa qua đã tốt hơn rất nhiều”.
Cô giáo Trần Thị Thúy Hằng (trái) và cô Dorothy (phải) trong một buổi dã ngoại thực hành với các em học sinh |
Mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu mới
Với Dorothy, chuyến phiêu lưu của cô tại “xứ sở Việt Nam diệu kì” đã mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn mong đợi. Ngoài việc khơi nguồn cảm hứng với nghề giáo, Việt Nam còn là nơi khiến Dorothy luôn cảm thấy thoải mái với chất lượng cuộc sống rất tốt và con người vô cùng thân thiện, cởi mở. Cô không hề cảm thấy cô đơn khi ở giữa một cộng đồng người Việt.
Ngược lại, giống với Dorothy Gale có được Bù Nhìn Scarecrow, Người thiếc Tin Man và Sư tử hèn nhát Cowardly Lion làm bạn đồng hành trong truyện cổ, Dorothy cũng tìm được cho mình những người bạn thực sự trong đại gia đình E-connect cũng như trong cộng đồng giáo viên nước ngoài tại Việt Nam, những người đã khiến cuộc sống của cô tại nơi đây thêm tươi đẹp và đáng nhớ hơn rất nhiều.
Cô giáo Dorothy (thứ hai từ phải sang) cùng đồng nghiệp trải nghiệm ẩm thực truyền thống Việt Nam |
Trên cương vị mới là Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ E-connect Hà Nội, Dorothy chân thành chia sẻ rằng đây sẽ là cơ hội để cô có được nhiều trải nghiệm đáng nhớ hơn, đóng góp nhiều hơn trong việc giúp đỡ các em học sinh tiếp cận nền giáo dục quốc tế và học tiếng Anh cùng người bản xứ. Đây sẽ là một chuyến phiêu lưu mới trong cuộc hành trình tìm kiếm và theo đuổi đam mê nghề giáo của Dorothy tại Việt Nam.
Chúc cô giáo trẻ Anh quốc xinh đẹp sẽ luôn giữ mãi được ngọn lửa nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người cao cả và ngày một thành công trên con đường mà cô đã chọn!/.
Xúc động đọc bài thơ “Nỗi niềm cô giáo hợp đồng” của một thầy giáo
Bỏ biên chế giáo dục: Nên bớt dự án nghìn tỷ để tăng lương giáo viên