Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự  (Bộ Công an), trẻ bị xâm hại tình dục đang chiếm tới trên 70% trẻ bị xâm hại nói chung và đang ở mức báo động khiến dư luận xã hội hết sức lo ngại.

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, sau các vụ xâm hại tình dục, trẻ em sẽ bị tổn hại rất lớn về tinh thần và xã hội cũng bất an vì nỗi đau mà gia đình và các em phải gánh chịu.

Thực trạng này gióng lên một hồi chuông khiến cơ quan chức năng phải nhìn nhận lại những biện pháp đang chỉ đạo có điều gì đã thực hiện tốt và chưa để điều chỉnh ngay.

Có thể nói, để xảy ra tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em gia tăng là các cơ quan chức năng chưa xử lý nghiêm kẻ phạm tội nên không có tính chất răn đe và chưa ngăn chặn được những hành vi tiếp theo.

Mặc dù hiện nay có nhiều cơ quan, đoàn thể, địa phương đã vào cuộc chỉ ra những nguy hại và tổn thất khi trẻ em bị xâm hại tình dục nhưng sau những vụ xâm hại, các vụ việc chưa được đẩy lên cao trào.

ts_tung_lam_vov_ifse.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cần xem lại quy định xử lý xâm hại tình dục trong Bộ luật Hình sự 

Biện pháp chưa nghiêm nên còn tái diễn...

Để ngăn chặn triệt để các vụ xâm hại tình dục trẻ em, hệ thống pháp luật cần có sự thay đổi. Tất cả các sự việc xảy ra thì lực lượng công an phải vào cuộc điều tra khẩn trương. Cơ quan chức năng phải sớm có kết luận đánh giá đúng vụ việc.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc xâm hại tình dục dù chỉ là những hành động như trêu đùa, gọi điện thoại cũng bị giam giữ, xét xử.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Bộ Luật Hình sự cũng cần phải được xem xét lại việc xử lý, xử phạt những kẻ hiếp dâm, ấu dâm đã thực sự hiệu quả chưa. Nếu có ý kiến góp ý từ xã hội thì nên nghiên cứu lại để tăng mức xử lý tội phạm xâm hại trẻ em. Hệ thống pháp luật phải thực sự nghiêm minh để gia đình những kẻ xâm hại tình dục trẻ em không thể “chạy chọt” cho họ được cũng như không để tái diễn hành vi này ở những người khác.

Về phía gia đình, các phụ huynh thường xuyên quan tâm và cần bổ sung kiến thức, kỹ năng để giáo dục con, cảnh giác với những hành vi từ cái nhìn âu yếm, vỗ vai, ôm ấp. Ngay cả những hành vi đó đến từ những người thân, họ hàng, người quen biết cũng cần phải dạy trẻ cảnh giác, phản đối.

Vấn đề giáo dục giới tính đã được nhiều nước trên thế giới giảng dạy ở các trường học như là môn học chính khóa nhưng ở Việt Nam chỉ coi là giờ học ngoại khóa chứ chưa được đưa hẳn vào chương trình. Vì vậy, về phía nhà trường cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong việc giáo dục giới tính tùy thuộc vào tâm sinh lý, lứa tuổi cũng như đưa ra giải pháp để tự bảo vệ bản thân các em khỏi những hành vi xâm hại đến cơ thể./.