Theo số liệu giám sát năm 2020 từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS đến cuối năm 2020, TP Cần Thơ đứng thứ 13 về số người nhiễm HIV so với cả nước. Trong 10 tháng của năm 2021, số nhiễm HIV được phát hiện mới 296 người, chuyển sang AIDS 6 người và tử vong 7 người. So với cùng kỳ năm 2020, số người nhiễm HIV giảm 20 người, số chuyển sang AIDS giảm 16 người và số tử vong giảm 24 người.

TP đã đạt mục tiêu năm 2021 với 94,6% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân và 96,3% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ước chế (<1000 bản sao/ml máu), kết quả đạt được là từ hiệu quả của công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm HIV và chăm sóc điều trị HIV mang lại.

Khi thành phố áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, mặc dù các hoạt động bị ảnh hưởng nhưng các địa phương đã vận dụng sáng tạo bằng nhiều hình thức như: tổ chức nhiều lớp tập huấn trực tuyến nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và nhân viên tiếp cận cộng đồng; thực hiện tiếp cận khách hàng nguy cơ cao bằng nhiều hình thức như online, livestream trên nền tảng các app, mạng xã hội; triển khai hình thức tự xét nghiệm cộng đồng qua vận hành trang web tự xét nghiệm; cấp phát thuốc 3 tháng/lần cho bệnh nhân ARV; nhân viên y tế/nhân viên tiếp cận cộng đồng hỗ trợ cấp phát thuốc ARV, PrEP, Methadone cho bệnh nhân khi cơ sở bị phong tỏa, bệnh nhân bị cách ly/phong tỏa hoặc nhiễm COVID-19.

Ông Giáp Thanh Giang, Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhiễm HIV khi mắc COVID-19 có nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc tử vong cao hơn. Do đó, trong thời gian thành phố tăng cường phòng chống dịch, trung tâm vẫn duy trì thực hiện chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại 06 phòng khám ngoại trú người lớn, 01 phòng khám ngoại trú nhi; duy trì dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại 18 cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Đến nay, chưa phát hiện bệnh nhân HIV/AIDS nhiễm COVID-19.

"Trong giai đoạn COVID, chương trình phòng chống HIV/AIDS của chúng tôi cũng rất quan tâm đến người nhiễm. Ở các địa phương thì giao cho cán bộ y tế địa phương hoặc Trung tâm y tế thực hiện rà soát lại người nhiễm trên địa bàn để tư vấn, vận động họ tiêm ngừa COVID đầy đủ 2 mũi. Ở phòng khám ngoại trú thì khi bệnh nhân đến thăm khám, lãnh thuốc thì cũng được tư vấn đầy đủ, hiện tại họ cũng đã được tiêm ngừa tỷ lệ rất là cao"- ông Giang nói./.