Ngay sau khi báo chí phản ánh về việc có sự sai sót trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2016 cho biết rõvề nội dung Phần đọc hiểu trong đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2016.
Theo đó, trích đoạn thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ được Hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 (Ban tuyển chọn và chú giải: Nguyễn Đức Nam (chủ biên), Bằng Việt, Nguyễn Văn Long, Nguyên An, Nguyễn Quốc Túy); Nhà xuất bản Giáo dục - 1985.
Nội dung trích dẫn:
“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.
(Nguyên bản dòng thứ 3 và 4 từ trên xuống trang 218, Sách đã dẫn)
Thông báo của Bộ GD và ĐT khẳng định: "Trong quá trình biên soạn đề thi, Hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi (minh chứng kèm theo)"
Tuy nhiên, trong tuyển tập thơ “Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành lại ghi rõ câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” (hình ảnh kèm theo).
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và là người chủ biên nhiều bộ sách giáo khoa, hai câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” và “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” có nghĩa khác nhau.
Đặt trong ngữ cảnh câu thơ này, “đất cày” tượng trưng cho sự khỏe khoắn, đồng thời là hình tượng gần gũi, thân thương với người dân Việt Nam từ bao đời nay. Còn ví tiếng Việt với “bùn” thì không hiểu được. Vì "bùn" khiến người đọc liên tưởng đến những cái gì đó không sạch chứ không có gì gắn với sự mượt mà, tinh tế của tiếng Việt."
Còn tại quyển “Ôn tập môn Ngữ Văn” chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia (Tập một), NXB Giáo dục Việt Nam, do Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên) cùng các cộng sự Phạm Thị Thu Hiền – Nguyễn Thị Nương và Nguyễn Thị Hồng Vân thì câu thơ được in là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” chứ không phải là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” như trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn sáng 2/7.
Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học), em gái cố Nhà thơ Lưu Quang Vũ, đồng thời là người biên soạn Tuyển thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, xác nhận, trên thực tế song song tồn tại hai văn bản thơ có những chữ khác nhau “như bùn” và “như đất cày”. Lý giải nguyên nhân, bà Lưu Khánh Thơ cho biết, khi in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã biên tập và sửa thành “như bùn”. Từ đó, trên nhiều sách báo đều sử dụng văn bản trên báo Văn nghệ. “Cho đến khi làm Tuyển thơ, gia đình căn cứ vào bản thảo viết tay của anh Vũ còn lưu giữ được, chúng tôi đã phục nguyên văn bản bài thơ theo đúng bản gốc”, bà Thơ chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: "Trong sáng tạo văn học-nghệ thuật, việc một số từ ngữ, cảnh huống có sự xê dịch (kể cả dân gian hóa) là điều dễ hiểu. Hoàn toàn có thể hiểu và chấp nhận một tác phẩm có nhiều dị bản khác nhau. Mong mọi người đọc và rộng lòng, đừng quá khắt khe, đừng làm ảnh hưởng không thuận đến tâm lý của các em học sinh và người thân của các em. Ở đề thi môn Văn THPT năm nay, thí sinh cứ làm bài theo đề thi, giám khảo chấm theo đáp án là đúng nhất."
Được biết, bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ không nằm trong sách giáo khoa THPT mà chỉ là bài thơ đọc thêm./.