Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn gửi Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019 - 2020.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức nghiên cứu và triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục.

khai_giang_2_upsg.jpg
 

Việc tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2019-2020 thống nhất trên cả nước vào buổi sáng ngày 5/9/2019. Chương trình khai giảng có các nghi thức: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Khai giảng năm học mới - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Lưu ý không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường, bảo đảm sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường.

Các cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau Lễ Khai giảng; ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường trong cả năm học, bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện của nhà trường. Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh.

Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt lưu ý các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối trong việc đưa đón học sinh. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng “lạm thu”; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục bảo đảm cung cấp sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học. Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7 tháng 7 năm 2014 của Bộ GDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp hoặc gián tiếp buộc học sinh phải mua xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí./.