Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm nay, chính sách ưu tiên cho khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp). Cụ thể, khu vực 1 được cộng 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm và khu vực 2 là 0,25 điểm.
Tuy nhiên, thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước (thí sinh tự do) khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng, Dự thảo lại đề xuất không tính điểm ưu tiên khu vực. Đây là điểm mới so với mọi năm. Mọi năm, thí sinh chỉ cần thi đại học (dù đã tốt nghiệp từ các năm trước) thi lại vẫn được cộng điểm ưu tiên theo khu vực.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) giải thích, quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa hai nhóm thí sinh: "Các thí sinh đã tốt nghiệp năm trước thì có lợi thế về cơ hội học tập, ôn luyện, thời gian nhiều hơn hẳn so với các em dự thi tốt nghiệp lần đầu. Nhiều trường hợp các em có điều kiện chuyển đến các địa phương, các thành phố để học tập, tập trung ôn thi, mà chỉ ôn thi 1 số ít môn thôi. Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị chuẩn bị tốt nghiệp năm nay dùng điểm đó để xét tuyển vào đại học, đang học rất nhiều môn và chịu áp lực rất lớn để vừa thi tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Ngoài ra, chúng tôi biết có khá nhiều thí sinh đã đỗ vào các trường đại học ở năm trước và sau khi học 1 năm thì chọn thi lại, cạnh tranh với chính các em thí sinh năm nay mới thi tốt nghiệp lần đầu. Để đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển ĐH-CĐ, ở đây là các thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp, Dự thảo quy chế đưa ra quy định theo hướng thí sinh ở các vùng hưởng chế độ ưu tiên khu vực, chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực 1 lần ngay năm đầu tiên tốt nghiệp THPT. Như vậy là công bằng cho tất cả các thí sinh".
Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 sẽ lấy ý kiến đóng góp cho đến ngày 31/5. Bộ GD-ĐT tiếp nhận các ý kiến và sẽ tiếp thu hoàn thiện Dự thảo theo hướng có lợi và phù hợp nhất với các thí sinh, cơ sở đào tạo và toàn hệ thống./.