Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Dự thảo thi tốt nghiệp THPT theo 2 phương án mới để trưng cầu ý kiến dư luận xã hội. Điều đáng lưu ý trong Dự thảo này đề cập đến việc Bộ giao chỉ tiêu cho các địa phương 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT. Nếu được thông qua thì chủ trương này có thể được thực hiện trong kỳ thi năm 2014.
Phóng viên VOV online ghi nhận ý kiến của một số lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn Hà Nội.
Khó đánh giá đúng chất lượng giảng dạy, học tập
Ông Phạm Đức Doanh, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho rằng, chủ trương của Bộ giao cho các địa phương tối đa 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT nhằm khuyến khích, động viên học sinh học tập tốt và thúc đẩy nhà trường đẩy mạnh hoạt động giảng dạy.
Ông Phạm Đức Doanh, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, Hà Nội |
Tuy nhiên, việc giao chỉ tiêu trên của Bộ cũng có thể nảy sinh ra một số bất cập vì hiện nay, chất lượng giáo dục ở các tỉnh, thành và vùng, miền trong nước đang có sự khác nhau và còn nhiều chênh lệch. Ngay trong một địa phương cũng có sự chênh lệch về chất lượng giảng dạy, học tập giữa các trường THPT.
Trong Dự thảo của Bộ có đề cập đến việc giao cho Sở GD-ĐT căn cứ vào tỷ lệ miễn thi theo quy định để xây dựng phương án miễn thi phù hợp với địa phương. Các trường học dự kiến phương án miễn thi trên các đánh giá của Sở về điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học; Kết quả các hoạt động giáo dục mà cơ sở đã tổ chức thực hiện; Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh…
Theo như Dự thảo thì những trường chuẩn quốc gia được ưu tiên hơn về tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, hiện nay, có những trường học không đạt được tiêu chuẩn về diện tích, cơ sở vật chất nhưng chất lượng giảng dạy chưa hẳn là không tốt. Nếu như việc đánh đồng xét ưu tiên tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp THPT dựa vào tiêu chí trên thì sẽ tạo ra sự không công bằng cho những trường nào dạy và học tốt nhưng diện tích và cơ sở vật chất của nhà trường chưa đạt được những tiêu chí đề ra.
Mặt khác, việc xét tuyển học sinh được miễn thi tốt nghiệp cũng có thể xảy ra tiêu cực nếu như không có những biện pháp chặt chẽ như từng xảy ra đối với việc xét tuyển học sinh giỏi được vào các trường ĐH, CĐ.
Theo ông Phạm Đức Doanh, trong nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT luôn trên 90% và kỳ thi chỉ đánh giá năng lực học tập của các em ở mức độ vừa phải thì việc đưa ra chỉ tiêu 20% được miễn thi tốt nghiệp THPT cũng cần phải được xem xét lại, liệu có cần thiết hay không.
Ông Phạm Đức Doanh nhớ lại rằng, có thời kỳ, khi mà Bộ GD-ĐT chưa đưa ra chủ trương học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế được vào thẳng ĐH, CĐ nên nhiều em đã rất e dè, thậm chí là không muốn tham gia vào những đội tuyển thi học sinh giỏi. Vì lý do trên và cũng để khuyến khích học sinh giỏi tham gia vào các đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thì Bộ GD-ĐT chỉ nên miễn thi tốt nghiệp THPT cho những em đoạt giải ở những kỳ thi này. Còn tất cả những học sinh khác vẫn tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT như bình thường.
Phương án nào cũng phải thận trọng từ bước đầu tiên
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội đánh giá cao những việc làm ban đầu của Bộ GD-ĐT nhằm đổi mới thi cử và thực hiện đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội |
Tuy nhiên, Dự thảo thảo thi tốt nghiệp THPT theo 2 phương án mới để trưng cầu ý kiến dư luận xã hội có đề cập đến việc Bộ giao chỉ tiêu cho các địa phương 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc miễn giảm này phải có lộ trình cụ thể để tiến tới mục đích đánh giá một cách thực chất cả quá trình học tập THPT của học sinh. Còn nếu như việc miễn thi chỉ trong một vài năm mà không hướng tới một mục đích rõ ràng, cụ thể lâu dài nào thì là không cần thiết.
Thầy Nguyễn Quốc Bình bày tỏ băn khoăn đối với việc Bộ giao chỉ tiêu miễn thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương như nhau trong khi chất lượng giáo dục ở các vùng, miền vẫn còn có sự chênh lệnh. Điều này khiến các Sở GD-ĐT, nhiều trường THPT phải dành nhiều công sức, thời gian nghiên cứu, bình xét học sinh được miễn. Trong khi đó, thời gian làm những công việc này nên dành để nâng cao chất lượng giảng dạy và cải tiến thi cử thì tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Bộ GD-ĐT đang thực hiện những bước đi đầu tiên để cải tiến thi cử cũng như đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Dù là bước đi ban đầu luôn bỡ ngỡ và còn gặp nhiều khó khăn ở phía trước nhưng những chủ trương, việc làm của Bộ đưa ra phải rất cẩn trọng vì đây là nền tảng để ngành giáo dục thực hiện những bước đi tiếp theo. Đổi mới thi cử phải phục vụ cho mục tiêu lâu dài và tránh sự thay đổi liên tục.
Nên giao tiêu chí công nhận tốt nghiệp THPT cho các trường
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội nêu quan điểm, việc Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu cho các địa phương 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT là con số không quá lớn để giảm áp lực thi cử và cũng không hề tiết kiệm nhiều cho các hội đồng thi. Vì thế, việc đưa ra chỉ tiêu này không phải là mục tiêu bền vững để thúc đẩy các trường học, thầy cô giáo, học sinh giảng dạy và học tập tốt hơn.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội |
Thay vì đưa ra chỉ tiêu trên, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Bộ GD-ĐT nên giao các trường những tiêu chuẩn cụ thể để xét miễn thi cũng như công nhận tốt nghiệp THPT. Nếu Bộ đưa ra chỉ tiêu 20% miễn thi tốt nghiệp mà không đưa ra những tiêu chí cụ thể thì việc xét duyệt chắc chắn sẽ xảy ra tiêu cực.
Để các trường THPT được công nhận tốt nghiệp cho học sinh thì trước tiên, chúng ta phải tổ chức thi cũng như đánh giá chất lượng giáo dục THPT một cách nghiêm túc, không áp dụng cộng điểm. Nếu học sinh nào có điểm Toán kém nhưng môn Ngữ văn lại cao hoặc học sinh chỉ đạt điểm 2 môn Toán thì nhà trường vẫn nên để như vậy, không nên vì bất kỳ lý do gì mà cho nâng điểm. Bởi vì dù có nâng điểm thì đó không phải là năng lực học tập thực chất của em học sinh đó.
Tuy nhiên, việc đánh giá kỳ thi tốt nghiệp cũng như quá trình học THPT của học sinh không chỉ đến từ cấp quản lý, nhà trường, thầy cô giáo mà rất cần phải sự nỗ lực thay đổi tư duy, nhận thức của từng phụ huynh và học sinh.
Nếu việc đánh giá được thực hiện nghiêm túc, khách quan thì có thể nhanh chóng lấy đó làm căn cứ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ và định hướng nghề nghiệp cho học sinh./.