Sáng 9/11, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức gặp mặt, biểu dương 128 nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, ngành GD-ĐT có khoảng 1,3 triệu nhà giáo, trong đó có khoảng 800.000 nữ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Có trên 150.000 nữ nhà giáo đang công tác tại gần 3.900 xã vùng cao, miền núi, địa bàn khó khăn của đất nước.

Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng các cô giáo đã vượt qua mọi vất vả để nâng cao nghiệp vụ, giảng dạy cho các em học sinh ở những vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Ở những địa bàn có đông người dân tộc thiểu số, địa hình hiểm trở, nhiều giáo viên đã không quản ngại đường sá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt đến từng gia đình vận động con em tới lớp, theo đuổi cái chữ và không bỏ học giữa chừng.

tuyen-duong.jpg
Những nữ nhà giáo được biểu dương

Nhiều cô giáo đã vượt qua thiếu thốn về vật chất để bám trụ với nghề, khắc phục mọi gian khó để trau dồi nghiệp vụ, đưa chất lượng giáo dục ở địa phương phát triển và đào tạo những học sinh đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và Olympic quốc tế như: cô giáo Trần La Giang, trường THPT chuyên tỉnh Sơn La; Dương Thị Mỹ Hằng, trường Tiểu học Dương Đông 3, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang…

Cô giáo Ksos H’Nga, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chia sẻ: Ia Grai là địa bàn có đông con em người dân tộc thiểu số, kinh tế còn khó khăn, khoảng cách từ nhà tới trường rất xa xôi nên việc đưa con đến trường là một việc làm vô cùng hiếm hoi. Chính vì thế, cùng với hoạt động tuyên truyền, kêu gọi các gia đình cho con đi học thì việc xây dựng cơ sở vật chất để cho học sinh nội trú cả ngày ở trường là mong muốn của rất nhiều giáo viên trong trường.

Cô Ksos H’Nga mong ngành GD tiếp tục cho những chính sách hỗ trợ giảng dạy cho giáo viên và học sinh ở những vùng miền khó khăn, đặc biệt là xây dựng cơ sở vật chất trường lớp cho học sinh nội trú.

Phát biểu tại lễ biểu dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao công sức, đóng góp của các cô giáo đối với sự nghiệp GD và cho rằng, đất nước ta đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập với thế giới. Muốn có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, chúng ta cần có đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề, thực sự có năng lực giảng dạy. Đặc biệt là rất cần những giáo viên không quản ngại khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ giảng dạy ở những vùng miền khó khăn, biên giới, hải đảo.

Trong những năm qua, Nhà nước đã rất quan tâm đến đảm bảo đời sống cho đội ngũ giáo viên như đưa ra chính sách thâm niên cho nhà giáo, chế độ ưu tiên cho những người giảng dạy ở vùng miền khó khăn, xây nhà công vụ cho giáo viên…

Để thu hút giáo viên bám trụ với nghề, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp GD-ĐT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn Bộ GD-ĐT và các ngành chức năng khác tiếp tục chăm lo, quan tâm hơn tới đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là những giáo viên ở những vùng cao, biên giới, hải đảo, điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn./.