Sở GD-ĐT TP HCM vừa giới thiệu về Đề án “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3”. Theo đó, TP HCM sẽ trang bị trên 337.500 máy tính bảng cho giáo viên và học sinh lớp 1, 2, 3 tại 451 trường tiểu học với tổng kinh phí thực hiện thí điểm dự kiến 4.000 tỷ đồng. Các lớp học được trang bị wifi, mỗi học sinh sử dụng 1 máy tính bảng riêng, trong đó cài đặt nội dung SGK chính thức của Bộ GD-ĐT ở tất cả các môn học.

hoc_sinh_voi_may_tinh_bang_lclr.jpg
Nếu học sách giáo khoa điện tử, có thể học sinh sẽ không hào hứng với luyện chữ nữa (ảnh minh họa: laodong.com.vn)

Đề án thí điểm trong năm học 2014 - 2015, với 60% số lượng giáo viên và học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 tham gia. Nguồn ngân sách sẽ trang bị cho các giáo viên khoảng hơn 10.000 chiếc máy tính bảng và hơn 5.000 chiếc cho học sinh thuộc diện đối tượng chính sách. Các học sinh không thuộc đối tượng trên thì phụ huynh phải trả kinh phí hoàn toàn với số tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Ngay sau khi Sở GD-ĐT TP HCM trình Đề án này đã nhận được nhiều ý kiến phản đối từ dư luận xã hội. Còn đứng ở góc độ giảng dạy, các thầy, cô giáo lại có những ý kiến khác nhau.

Không giáo dục được toàn diện cho học sinh

Khi thực hiện sách giáo khoa điện tử có thể giúp học sinh đỡ phải mang sách vở cồng kềnh đi học nhưng với điều kiện hạ tầng mạng Internet của Việt Nam hiện nay chưa thực sự phổ quát, việc sử dụng sách giáo khoa điện tử chưa hẳn đã khả thi.

Cô Trần Thúy Nga, Hiệu trưởng trường THCS Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội lo ngại, hạ tầng mạng Internet ở các tỉnh, thành phố lớn khác so với những địa phương khó khăn và ở cùng một tỉnh cũng có nơi không giống nhau nên học sinh tiếp cận sách giáo khoa điện tử cũng có thể không đồng bộ. Trong cùng một lớp học, máy tính của học sinh này bắt được mạng Internet nhưng máy của học sinh khác lại chập chờn hoặc không có thì giáo viên sẽ khó có thể xử lý và xoay sở kịp với hàng chục học sinh trong cùng 1 lớp học.

Ông Bùi Thụy Phương

Ngoài ra, việc sử dụng máy tính bảng không thể giáo dục được toàn diện kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Không phải môn học nào cũng có thể sử dụng máy tỉnh bảng vì học sinh vẫn phải tập viết và tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí.

Những tiết học luyện chữ vẫn phải có để cho học sinh cầm bút viết trên vở. Môn Họa, học sinh vẫn phải cầm bút vẽ để thỏa sức bày tỏ trí tưởng tượng. Nếu học sinh sử dụng máy tính bảng từ ngay khi vào lớp 1 thì có thể không còn hào hứng với luyện chữ đẹp. Do đó, chỉ nên áp dụng ở một số tiết học, môn học cần thiết chứ không nên áp dụng rộng ở tất cả các tiết học.

Nếu sử dụng sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng thì nên áp dụng thí điểm ở một số tỉnh, thành và trường “điểm” có điều kiện về có sở vật chất và kinh phí thực hiện.

Ở nước ta, nhiều trường học với hạ tầng, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn. Số tiền để mua máy tính bảng nên dành vào việc đầu tư cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị thông tin và phòng thí nghiệm thì sẽ tốt hơn. Đó là ý kiến của ông Bùi Thụy Phương, chuyên viên Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Từ xưa đến nay, giáo viên và học sinh vẫn quen sử dụng bảng đen, phấn trắng, sách giáo khoa giấy vào trong quá trình giảng dạy, học tập. Thói quen này cũng giúp cho việc giảng dạy của giáo viên và học sinh gần gũi với nhau hơn. Người giáo viên tập trung vào bài giảng còn học sinh luyện đọc, luyện chữ một cách tỉ mỉ hơn.

Sức khỏe và việc học của học sinh có thể bị ảnh hưởng lớn

Khác với việc sử dụng sách giáo khoa để tiếp nhận kiến thức và rèn luyện kỹ năng, cô Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long, Hà Nội cho rằng, ở lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 3, học sinh vẫn còn rất mải chơi nên nếu sử dụng các em có thể mầy mò tìm kiếm các trò chơi trên máy tính thay vì việc học tập. Trường hợp này đã từng xảy ra đối với con của một giáo viên ở trường cô quản lý. Nữ giáo viên này đã “tá hỏa” khi biết con mình toàn tải các trò chơi từ máy tính bảng. Việc học của cháu cũng đã bị ảnh hưởng vì những trò chơi trên máy tính.

Cô Trần Thị Hồng Hạnh

Cô Thanh Hà cho rằng, việc áp dụng sách giáo khoa điện tử cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên hiệu quả thiết thực với học sinh.

Đồng ý với quan điểm trên, cô Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội cho rằng, việc xây dựng sách giáo khoa điện tử là đề án hay, giúp cho học sinh tiếp cận những nội dung sinh động, phong phú hơn dựa trên sự tích hợp của loại hình công nghệ thông tin đa phương tiện.

Tuy nhiên, TP HCM phải tính đến tính khả thi khi thực hiện đề án ở mức độ nào, có thực sự hiệu quả đối với việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh không.

Hiện nay, nhiều trẻ nhỏ bị cận khi tiếp xúc với máy tính, thiết bị di động từ rất sớm. Từ mắt bị cận thì sức khỏe của các em cũng ảnh hưởng theo.

Lo lắng khi thực hiện sách giáo khoa điện tử và mua máy tính bảng cho học sinh chính là vấn đề tài chính. Cô Nguyễn Thị Thịnh, Hiệu trưởng trường THCS Yên Hòa, Hà Nội cho rằng, hiện các địa phương khó có thể thực đáp ứng được kinh phí để mua máy tính bảng cho học sinh. Vì vậy, khi thực hiện đề án cần phải có lộ trình và các địa phương cần cân nhắc đến khả năng kinh phí của mình./.