Các trường học vùng cao ở tỉnh Lai Châu đang bước vào năm học mới với muôn vàn khó khăn. Do năm học này ngày tựu trường diễn ra đúng vào thời gian cao điểm của mùa mưa lũ, nên việc vận động và đưa học sinh ra lớp ở nhiều nhà trường vùng cao Lai Châu vô cùng gian nan.

22_vov_wurd.jpg
Gian nan thầy cô giáo vùng cao vận động học sinh đến trường. Nhất là khi mùa mưa lũ vừa qua đã làm nhiều cầu, đường bị hư hỏng.

Sau hơn hai tháng nghỉ hè, các thầy cô giáo trên địa bàn xã biên giới Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu quay lại trở về trường trong tâm thế đầy ngổn ngang, gian khó. Dù đã nỗ lực cố gắng trong vận động học sinh đến trường, nhưng do mưa lũ thời gian qua đã làm nhiều tuyến đường bị sạt lở, nước ở các sông suối dâng cao khiến công tác vận động học sinh đến trường gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh học sinh, nhưng tỷ lệ học sinh ra lớp vẫn chưa đủ.

Ông Lý Văn Lo, ở bản Mỏ, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ cho biết: Đường từ bản về trường giờ đây lầy lội và bị chia cắt bởi dòng suối. Mỗi khi mưa xuống, lũ suối về chảy xiết nên không ai dám qua. Các thầy cô giáo đã vào bản, đến từng hộ dân vận động học sinh ra lớp. Mặc dù bà con rất muốn đưa con em mình tới trường, nhưng có vượt núi đi bộ gần chục cây số đường rừng, rồi cũng không qua được dòng suối lũ, nên đành phải để con em ở nhà.

“Bây giờ mưa, đường xá xa xôi như thế này đi cũng khó, vì thế các cháu học sinh đi lại cũng rất khó khăn.Cũng vì đường như thế này nên con cháu trong bản đi học cũng không được nhiều mấy. Đường hay trục trặc, sạt lở; qua suối bây giờ thì bà con cũng phải khắc phục thôi, bà con đành phải tục trực để đưa đón để đảm bảo an toàn”, ông Lý Văn Lo nói.

Để có được học sinh đến trường, ngoài việc phải về bản giúp các em vượt qua những dòng suối mùa lũ, thầy giáo vùng cao còn nhiều khó khăn khác.

Ngày tựu trường đã qua, hiện nay các nhà trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã thực hiện chương trình dạy và học năm học mới. Thế nhưng, đối với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Nậm Xe thì những ngày đầu tựu trường học sinh đến lớp chỉ được phân nửa, trong đó chủ yếu thiếu ở những bản vùng lũ, xa trung tâm, bị chia cắt bởi đường xá, sông suối. Để "kéo" được học sinh đến lớp, nhiều ngày nay các thầy cô phải thay phiên nhau về bản, một số thầy cô biết bơi, khỏe mạnh phải túc trực ở hai bên bờ suối, cùng phụ huynh đưa các em qua.

Thầy giáo Đồng Văn Công, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Nậm Xe cho biết: Ở bản Nậm Xe, học sinh của nhà trường có hơn 60 em học sinh. Như những năm trước, thời gian này nhà trường đang thực hiện chương trình dạy và ổn định sỹ số học sinh rồi. Do nước suối vẫn đang lên rất cao khiến cho việc vận động và đưa các em học sinh ra lớp của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Để các em sớm có mặt và ổn định tại trường học tập, các thầy cô phải dùng dây buộc vào lốp xe, quẳng qua bờ suối để đưa học sinh vượt suối về trường.

“Các thầy cô giáo đi vận động là phải lội suối hoặc là dùng phao để kéo sang. Và khi đón được các em thì phải dùng một cách rất mạo hiểm là cõng em qua suối hoặc lội qua suối cũng rất là khó khăn. Tuy là rất nguy hiểm, nhưng vì tâm huyết của người giáo viên, vì các em học sinh của mình nên không ngại ngần đi vận động học sinh đến lớp”, Thầy giáo Đồng Văn Công chia sẻ.

Nỗi lo tỷ lệ học sinh đến lớp thấp đang là thực trạng của các nhà trường vùng cao Lai Châu, nhất là ở các địa bàn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ như Nậm Xe. Theo Ban giám hiệu các nhà trường ở Nậm Xe, dù đã rất cố gắng, nhưng học sinh mới chỉ đạt hơn 70%. Như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Nậm Xe hiện nay vẫn còn thiếu gần 40 học sinh chưa về ở nội trú. Số học sinh này chủ yếu ở các bản Nậm Xe và Hoàng Liên Sơn 1, 2, do bị chia cắt bởi nước suối dâng cao và sạt lở đường.

Thầy giáo Phìn Văn Nguyên, Hiệu phó Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Nậm Xe, huyện Phong Thổ cho biết: “Hiện nay trường chúng tôi vận động học sinh ra lớp rất khó khăn đối với các thầy cô giáo, đặc biệt là đường đi lại sạt lở, lầy lội và còn có nơi phải lội qua suối. Chúng tôi đã bố trí những thầy giáo khỏe mạnh để đi lên nhưng bản khó khăn như hai bản Hoàng Liên Sơn. Có những đoạn đường phải khênh xe để đi lên với các em học sinh, nhưng chúng tôi cũng đã quyết tâm khắc phục khó khăn, để bằng mọi giá huy động học sinh ra lớp đảm bảo”.

Ngày khai giảng năm học mới đang cận kề, nhưng với các nhà trường ở vùng cao Lai Châu còn bộn bề khó khăn, nhất là việc huy động học sinh ra lớp ở những vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Để khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện biên chế năm học theo mùa vụ, thời tiết và phong tục tập quán. Theo đó, các nhà trường sẽ dựa vào điều kiện thực tế để điều chỉnh lịch học cho phù hợp và đảm bảo khung chương trình./.