Một điểm mới cơ bản của Luật Giám định tư pháp – có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, là quy định có 2 loại tổ chức giám định tư pháp: công lập và ngoài công lập.
Quy định này là một bước đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, nhằm huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn khi xem xét, quyết định trưng cầu giám định trong điều kiện còn thiếu giám định viên, thiếu tổ chức để trưng cầu giám định.
Theo đó Luật quy định: Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm: Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế.
Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm: Viện pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y cấp tỉnh; Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.
Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập hoạt động dưới hình thức Văn phòng giám định tư pháp, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.
Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng; cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật; cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp; tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp…/.