Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính về việc thực hiện phương pháp giám định BHYT tập trung theo tỷ lệ đối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi cả nước.

bao_hiem_y_te_ldvt.jpg
(Ảnh minh họa)

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao BHXH Việt Nam ban hành quy trình giám định tập trung theo tỷ lệ theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện thống nhất trong hệ thống BHXH nhằm bảo đảm thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn theo thẩm quyền những nội dung liên quan đến việc thực hiện phương pháp giám định BHYT tập trung theo tỷ lệ (nếu cần thiết), bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Đề án "Thí điểm phương pháp giáp định hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo tỷ lệ" đã được triển khai thực hiện tại 10 địa phương gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Nghệ An, Kiên Giang, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Đắk Lắk.

Theo BHXH Việt Nam, sau một thời gian triển khai, phương pháp giáp định hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo tỷ lệ này đã thể hiện những ưu điểm như: Chất lượng công tác giám định được tăng cường, giảm được quá tải cho các giám định viên, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện và cán bộ nhân viên y tế đối với quản lý và sử dụng quỹ BHYT, hạn chế các chỉ định chẩn đoán và điều trị không cần thiết, quá mức đối với người bệnh…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, bất cập như: Số lượng hồ sơ giám định theo Đề án quá lớn; việc chọn hồ sơ bệnh án nội trú theo danh sách mẫu, đội ngũ giám định viên tại các địa phương hiện nay rất thiếu, đặc biệt là giám định viện có trình độ đại học y, dược, dữ liệu giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh chưa được đồng bộ, phần mềm hỗ trợ cho việc xử lý kết quả giám định chưa được hoàn thiện…

Kết quả triển khai thực hiện thí điểm phương pháp giám định tập trung theo tỷ lệ cho thấy sự cần thiết phải đổi mới toàn diện phương pháp giám định BHYT theo hướng tập trung theo tỷ lệ. 

BHXH Việt Nam cho biết, đến tháng 6/2015 cả nước có khoảng 64,6 triệu người tham gia BHYT, tương đương tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số sau 5 tháng Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2015./.