Trao đổi với báo chí ngày 12/5, ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, so với năm 2014, số người tham gia BHYT đến nay giảm 1,2 triệu người. Trong đó, chủ yếu là giảm đối tượng theo hộ gia đình, khoảng 15%.

bhyt1_wfol_zbjq.jpg

Ông Bằng lấy ví dụ luật quy định bắt buộc mua BHYT theo hộ gia đình từ ngày 1/1/2015, theo đó gia đình có người đi công tác nước ngoài, công tác ở tỉnh khác nhưng xã phường lại yêu cầu phải photo thẻ BHYT, giấy tạm trú tạm vắng... Điều này không cần thiết.

"Bên cạnh đó, người dân trước tham gia một người chỉ đóng 620.000 đồng/năm; trong khi nếu cả gia đình 5 người cùng mua thì số tiền phải đóng lên đến gần 2 triệu đồng dù mức đóng đã giảm dần. Với người nông dân, đây là một khoản tiền lớn nhưng nếu coi sức khỏe là vốn quý, một tháng trung bình mỗi người đóng 33.000 đồng thì không có gì là cao. Cơ quan chức năng cũng đang tính toán phương án nên thu BHYT theo hộ gia đình như thế nào cho phù hợp, đóng liền 1 năm hay 1, 3, 6 tháng; vì về nguyên tắc thẻ BHYT được cấp có giá trị trong vòng 1 năm" - ông Bằng cho biết thêm.

Để giải quyết vấn đề này, BHXH Việt Nam đã có công văn hướng dẫn việc tham gia BHYT theo hộ gia đình. Theo đó, nếu người dân đã tham BHYT mà đến nay vẫn tiếp tục tham gia thì sẽ được cấp thẻ có thời hạn sử dụng đến hết 31/12/2015.

Những người còn lại chưa từng tham gia BHYT thì bắt buộc phải tham gia theo hình thức hộ gia đình. Công văn cũng nêu rõ từ 1/1/2016 trở đi, tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, tạm vắng bắt buộc phải tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình.

Thời gian tới, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với các ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện BHYT theo hộ gia đình theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, giảm thiểu các thủ tục hành chính trong kê khai danh sách theo sổ hộ khẩu, theo sổ tạm trú.

Về phía Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chủ động tập huấn, phổ biến các qui định mới của Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ và người lao động; giải thích và phổ biến các qui đinh này tới người bệnh và người nhà bệnh nhân; đồng thời triển khai nhiều biện pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh.../.