Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đến thời điểm này, ngành có hơn 23.000/35.000 lao động của hơn 800 doanh nghiệp du lịch đang bị tạm thời mất việc. Trong đó hơn 1.000 lao động khối lữ hành, 4.000 hướng dẫn viên, 18.000 lao động khối dịch vụ.

Thành phố du lịch này cũng cho biết, dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành du lịch Đà Nẵng do giảm sút nguồn khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người lao động. Trước thực tế này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, với các doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải xử lý ngay chính sách bảo hiểm thất nghiệp để người lao động có lương trong thời gian nghỉ việc. Những doanh nghiệp có điều kiện có thể đào tạo lại những lao động đó.

vov_luong_cong_chuc_dlbs.jpg
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng trước mắt cần giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ những lao động mất việc do dịch Covid-19. 

“Tôi nghĩ, chắc chắn sau dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn không thu hút được lao động hiện tại. Cộng với việc Nhà nước có chính sách phòng chống tác hại của rượu bia, người dân không uống bia nhiều, dẫn đến những người lao động làm việc ở các nhà hàng bị giãn ra. Vì thế, chúng ta phải dùng giải pháp trợ cấp thất nghiệp và cố gắng đào tạo lại lực lượng lao động này mới có nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Cũng như tránh tình trạng người lao động rơi vào tình cảnh không có việc làm, gặp khó khăn”, ông Lợi nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Việt Nam đã có bài học sâu sắc từ dịch SARS, khi có biến cố dịch bệnh, việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu là hết sức quan trọng.

“Bài học từ dịch Covid-19, rõ ràng có hai luồng. Một luồng là bản thân người lao động đang nằm tại vùng có dịch xảy ra, ví dụ như Vĩnh Phúc không thể chuyển vào các khu công nghiệp, nhà máy để làm việc vì thực hiện cách ly. Một luồng là các lao động làm việc trong những doanh nghiệp FDI về quê dịp Tết và quay trở lại thời điểm này, thực hiện cách ly (đối với những người đến từ vùng dịch). Cho nên, doanh nghiệp không chỉ sử dụng lao động hiện tại mà phải có chiến lược thu hút người lao động tại chỗ và ở những vùng không có dịch chuyển vào thay thế”, ông Lợi lưu ý.

Nói thêm về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần có sự chuẩn bị hết sức dài hơi về nguồn nhân lực. Bởi hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực hiện tại của Việt Nam rất thấp. Thực tế chỉ có khoảng 25% lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp. Đây là những đối tượng ít rơi vào tác động của khủng khoảng kinh tế, dịch bệnh. Số lao động còn lại rất dễ bị ảnh hưởng khi có khủng hoảng.

“Để xử lý vấn đề này, doanh nghiệp cần có phương pháp quản trị. Đó là phải đào tạo lao động có nghề chủ lực và nghề hiểu biết để khi không may nghề đang làm bị chuyển dịch thì lập tức có người thay thế. Hoặc doanh nghiệp phải chuẩn bị chiến lược đào tạo lại ngay để xử lý vấn đề. Chúng ta hoàn toàn có kinh phí để thực hiện việc này nhưng phải có chương trình, kế hoạch và bản thân các doanh nghiệp nhận thức được vấn đề. Hơn nữa, Chính phủ và các cơ quan của quản lý Nhà nước giúp định hình chính sách, chương trình, kế hoạch và có giải pháp hết sức bài bản để giúp cho doanh nghiệp phát triển”, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay./.

“Chúng ta đang có 70.000 tỷ đồng quỹ BHTN, quỹ này không chỉ là để dành cho người lao động khi thất nghiệp. Gốc rễ của nguồn quỹ này là đào tạo, đào tạo lại cho người lao động trở lại thị trường lao động. Cho nên doanh nghiệp cần đào tạo lao động cho mình, cho thị trường và người lao động chưa có nghề mới vào làm. Chính những hoạt động đào tạo này tạo cho doanh nghiệp có sự chủ động; khi không may có bất trắc, khủng hoảng, dịch bệnh xảy ra... thì doanh nghiệp có thể sử dụng được lao động ngay. Đó chính là ý nghĩa của Quỹ BHTN, để phòng ngừa thất nghiệp, giúp người lao động luôn có việc làm”- Ông Bùi Sỹ Lợi/.