Từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, không ít người lao động đã lợi dụng kẽ hở chính sách đăng ký trợ cấp thất nghiệp để trục lợi.

Ông Lê Chí Sinh, phụ trách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai cho biết: Từ đầu năm tới nay, trung tâm có gần 30.000 người đến đăng ký thất nghiệp. Đáng chú ý, trong số này có không ít trường hợp đến đăng ký tới lần thứ 2.

Theo ông Sinh, Trung tâm bắt đầu thực hiện tiếp nhận đăng ký và nhận hồ sơ tiếp nhận cho hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2010 với số lượng người lao động đến và hưởng lần thứ 2 tương đối lớn. Lần đầu khoảng vào năm 2010, sau khi hưởng hoặc trong khi hưởng thì họ có việc làm và đóng tiếp 12 tháng nữa để hưởng lần thứ hai.

Mặc dù đã nắm được việc một số người lao động lợi dụng để hưởng tiền trợ cấp nhưng do chưa có chế tài xử phạt các hành vi gian lận này nên các trung tâm đăng ký hưởng Bảo hiểm thất nghiệp cũng rất khó để có thể xác định rõ lao động đó thất nghiệp thật hay chỉ là khai báo. Do Luật Bảo hiểm thất nghiệp không ràng buộc đối với lao động bị đuổi việc hoặc xin nghỉ việc chuyển về quê nên họ vẫn được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Để tháo gỡ vấn đề này, ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc Bảo Hiểm xã hội tỉnh Bình Dương nêu ý kiến: Người lao động lợi dụng chính sách hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp mà họ không thực sự thất nghiệp chỉ là số ít. Bảo hiểm thất nghiệp là một chế độ rất là tốt, ưu việt. Tuy nhiên, để người lao động không lợi dụng hỗ trợ thất nghiệp, chúng ta cần phải điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thế nào đừng kích thích người lao động nghỉ việc...

Trước tình trạng này, Bộ Lao động Thương bình và Xã hội cho  biết sẽ nghiên cứu các quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp chặt chẽ hơn để sửa quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội sao cho phù hợp điều kiện thực tế, đảm bảo không tạo kẽ hở để nhiều người trục lợi, nhưng cũng đảm bảo người lao động  thất nghiệp thật sự sẽ nhận được trợ cấp kịp thời./.