Trà lúa thu đông bị ảnh hưởng do lốc xoáy nhiều nhất ở các xã Lộc Hòa, Thạnh Quới và Tân Thạnh, huyện Long Hồ. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 70 ha lúa bị đổ ngã từ 60% - 80% tại một số xã ở huyện Long Hồ. Trong đó, xã Lộc Hòa bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thiên tai còn gây thiệt hại nhiều nhà cửa và hoa màu của người dân địa phương.
Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long đang tích cực giúp dân khắc phục hậu quả. Đối với những căn nhà bị sập, đoàn viên thanh niên cùng các lực lượng dân quân tự vệ giúp dân dựng lại nhà ở tạm, ngành Lao động thương binh và xã hội đang lập danh sách để có phương án xây tặng nhà tình thương cho các hộ nghèo, đồng thời, hỗ trợ kinh phí bước đầu để người dân ổn định cuộc sống.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết: “Sau khi đảm bảo trật tự cho bà con người dân ổn định cuộc sống, sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn tiến hành khảo sát và đánh giá mức độ thiệt hại để hỗ trợ, giúp đỡ bà con sửa sang lại nhà cửa, ổn định cuộc sống”.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, mấy tháng qua, thường xuyên xảy ra mưa lớn gây thiệt hại nhiều nhà cửa và hoa màu. Chỉ trong tháng 9, thiên tai đã làm sập, tốc mái hơn 130 căn nhà; đổ ngã 50 ha lúa Thu Đông, thiệt hại rau màu và vườn cây ăn trái. Toàn tỉnh xảy ra 5 điểm sạt lở với tổng chiều dài 179m.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã làm thương nhẹ bốn người, sập và tốc mái 318 căn nhà, làm ngã đổ 1.904 ha lúa, ngập úng 13ha cây ăn trái. Ước tổng thiệt hại hơn 17 tỷ đồng.
Hiện nay, đang bước vào mùa mưa bão, thiên tai lốc xoáy sẽ còn xảy ra nhiều hơn trong thời gian tới. Do đó, ngoài việc khắc phục hậu quả, tỉnh Vĩnh Long đã đồng thời triển khai nhiều biện pháp phòng chống thiên tai.
Ông Lưu Nhuận, Chánh văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tỉnh Vĩnh Long cho hay: “Cập nhật thời tiết khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin kịp thời cho người dân biết để có sự chủ động trong phòng tránh ứng phó. Rà soát lại tất cả các khu vực xung yếu có thể mưa lớn sẽ gây ngập. Đối với các khu vực tập trung đông người, cần chằng chống nhà cửa. Sau mưa thường xảy ra hiện tượng sạt lở và triều cường, do đó cũng cần quan tâm đến vấn đề này và chủ động phương châm 4 tại chỗ”.
Trong triển khai công tác phòng chống thiên tai, tỉnh Vĩnh Long đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân trong phòng ngừa; củng cố và kiện toàn lại ban chỉ đạo các cấp, đề ra các biện pháp ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ”; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai ứng với từng cấp độ rủi ro trên địa bàn, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất khi thiên tai xảy ra./.