Trại giam A2, Bộ Công an, nằm giữa màu xanh của núi rừng xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây, có những con người một thời lầm lỗi đang chấp hành hình phạt tù.

poham-nhan.jpg

Nhiều phạm nhân đã thành thạo nghề trước khi tái hòa nhập cộng đồng

Phạm nhân Nguyễn Lê Bình, 33 tuổi quê thị xã Ninh Hòa, tỉnh Kháng Hòa vào trại đến nay được 9 năm. Trong một lần quá chén, Bình đã phạm tội cố ý gây thương tích với chính bố đẻ của mình. Tòa án tuyên Bình 12 năm tù giam, nhưng án lương tâm còn nặng nề hơn nhiều. Thời gian trong trại,  Bình chuộc lại lỗi lầm bằng cách tích cực lao động, chấp hành nghiêm túc các quy định của trại, Bình cũng được anh em phạm nhân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng.

Đến nay, Bình đã được đề nghị giảm án 3 lần, tổng cộng 27 tháng và được đề nghị xét đặc xá đợt này. Hơn 9 năm cải tạo, tình cảm của gia đình qua những lá thư động viên là sợi dây gắn kết anh với cuộc sống bên ngoài. Những thay đổi trong anh cũng bắt đầu từ mong đợi của người thân.

Phạm nhân Nguyễn Lê Bình tâm sự: “Qua thời gian ở đây, tôi có khái niệm rõ ràng về cuộc sống, tương lai của mình. Bây giờ tôi rất ân hận. Ở đây tôi nhận được sự động viên của Ban Giám thị, quản giáo trại giam. Mẹ tôi thường động viên tôi để tôi cải tạo cho tốt. Vào đây, tôi được dạy nghề mộc. Sau khi hòa nhập cộng đồng, tôi sẽ tiếp tục duy trì nghề mộc đã được học trong trại”.

Trại A2 hiện có 2.000 phạm nhân, già có, trẻ có và đa phần xuất thân từ nông thôn. Từ khi bước vào trại, các phạm nhân được  giáo dục bằng sự nghiêm khắc và tình thương của những cán bộ trại giam. Mỗi ngày ở trại giam là một ngày các phạm nhân nhận thêm bài học về cuộc sống, nghiêm khắc nhìn lại những lỗi lầm của chính mình. Hằng tuần các phạm nhân lao động, học tập 40 giờ. Phạm nhân được bố trí học nghề phù hợp, nếu xuất thân từ thành thì học nghề xây dựng, điện, may công nghiệp; xuất thân từ nông thôn thì nghề mộc, sản xuất nông nghiệp. Qua thời gian chấp hành án phạt tù, mỗi phạm nhân được trại trang bị một nghề để có thể sống lương thiện.

Phạm nhân Nguyễn Thị Ngọc, quê ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tôi rất hối hận về thời gian gây án nên đã cố gắng cải tạo tốt, chấp hành án phạt tù trong thời gian ở đây. Tôi cũng xác định tương lai của mình sau này về là lấy chồng sinh con, sống cuộc sống bình thường giản dị như bao người khác. Bên cạnh tôi, lúc nào cũng có gia đình, có bạn bè để tôi không tái phạm”.

Trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, toàn trại A2 có 168 phạm nhân được đề nghị đặc xá, gần 350 người được đề nghị giảm án phạt tù. Những năm trước đây nhờ làm tốt công tác giáo dục, cải tạo, nên tỷ lệ phạm nhân trại A2 tái phạm chỉ khoảng 0,8 %. Điều mà những con người lầm đường lạc lối trở về rất mong muốn là sự dang tay của gia đình, địa phương, nhất là tạo điều kiện về việc làm, tạo cơ hội để họ tham gia các đoàn thể và hòa nhập.

Thượng tá Phạm Văn Tiến, Phó Giám thị trại giam A2: “Các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cần phải quan tâm níu kéo họ để trở thành người có ích cho xã hội. Nếu chúng ta nhận thức đây là người tù về, đó là không phải, nó gây ác cảm đối với những con người hoàn lương. Chúng ta nên xóa bỏ cho họ những mặc cảm”.

Trong ngày vui Quốc khánh, quê hương và người thân đang mở rộng vòng tay nhân ái đón những người con một thời lầm lỡ trở về. Để các phạm nhân được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng, Ban Giám thị trại giam A2 cũng đã tổ chức các lớp học cung cấp các kiến thức về luật cư trú, luật giao thông đường bộ, các kỹ năng sống, kỹ năng tìm việc làm cho các phạm nhân./.