Thạc sĩ “xịn” vẫn trượt viên chức Thủ đô

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua, đại biểu Đỗ Văn Đương cho biết có dư luận phản ánh có tình trạng người có năng lực không vào hoặc ra đi khỏi khu vực Nhà nước ngày càng nhiều. Ngược lại người kém năng lực gia tăng trong khu vực Nhà nước. Chính điều này làm gia tăng con người hành chính “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Đại biểu đặt câu hỏi: Tại sao số công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác, một dạ hai vâng nhưng ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều?

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, nguyên nhân của tình trạng trên có xuất phát từ việc sử dụng cán bộ công chức, viên chức chưa đúng với phẩm chất, trình độ, năng lực của từng người. Cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ chậm được cải thiện. Cùng với đó là việc thi đầu vào chưa thực sự tuyển được người có năng lực, có tâm huyết.

dai_bieu_quoc_hoi_jvtc.jpgĐại biểu Nguyễn Thanh Hải và Đại biểu Đỗ Văn Đương

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình dẫn ví dụ trường hợp thầy Đặng Minh Tuấn, giáo viên hợp đồng của Trường PTTH chuyên Hà Nội – Amsterdam thi trượt viên chức Thủ đô.

Thầy Đặng Minh Tuấn tốt nghiệp Đại học Paris 11, thạc sỹ tại Đại học Lyon – Pháp, từng thực tập tại trung tâm hạt nhân Châu Âu. Thạc sỹ Tuấn đã có nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh đi thi quốc tế đạt nhiều giải cao khi giảng dạy tại Trường Hà Nội – Amsterdam; có khả năng dạy môn Lý bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Tuy nhiên thầy lại được nhắc đến trên báo chí vì trượt kỳ thi tuyển viên chức năm 2014 của Sở GD-ĐT Hà Nội. Được biết thầy Tuấn đạt 60/100 điểm với cách tính điểm dựa trên tổng số điểm học tập tại trường đại học và dạy một tiết học.

Đại biểu cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm đúng quy định về tuyển cán bộ nhưng kết quả tuyển dụng lại không thuyết phục và chưa thật phù hợp với thực tế khách quan. Đại biểu nhận thấy cách thức ra đề thi, quy trình tuyển công chức, viên chức hiện nay không đảm bảo tính phân loại để chọn được những người giỏi, người tài, người phù hợp mà còn mang tính cào bằng.

Việc tuyển dụng viên chức theo Nghị định 29 thì ngoài việc tuyển dụng thông thường còn có quy định xét tuyển, đặc cách với người đủ tiêu chuẩn theo quy định ngay trong Nghị định này. Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, với trường hợp của Ths Đặng Minh Tuấn, Sở GD-ĐT Hà Nội và trường xem xét nếu đủ điều kiện thì tuyển thẳng, đặc cách là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

“Tuy nhiên cũng cần nghiên cứu hoàn thiện ngay chính sách tuyển dụng viên chức trên giác độ xác định thang điểm về kết quả học tập của trường nước ngoài, quy đổi cho thống nhất với thang điểm, kết quả học tập của trường trong nước”, người đứng đầu ngành Nội vụ nói.

Chính sách có, thực hiện khó?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải dẫn lại lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Tôi và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng không thể ký được mức lương cho Giáo sư Ngô Bảo Châu” và cho rằng, đây là một hiện tượng chỉ mang tính đơn lẻ nhưng lại phản ánh những bất cập của cơ chế, chính sách về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập về thu hút người có tài, có kinh nghiệm vào công tác tại các cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, Bộ Nội vụ và các Bộ ngành đã đang thực hiện đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới; sử dụng, trọng dụng người có tài năng, phẩm chất, làm được việc. Bộ Nội vụ được Bộ Chính trị giao xây dựng đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đến các nhà khoa học trẻ. Đề án đã được trình và Bộ Chính trị có kết luận thông qua. Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án để trình Chính phủ phê duyệt triển khai.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình

“Từ nay đến năm 2020, đảm bảo tuyển khoảng 1000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp. Đây cũng là đột phá trong công tác tuyển dụng người tài. Chúng tôi cũng đang xây dựng nghị định về trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ”, ông Nguyễn Thái Bình cho biết.

Song song với trọng dụng người tài, người có năng lực thì việc thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giảm biên chế với người không đáp ứng được công việc cũng sẽ được siết chặt.

Cùng với đó, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI chỉ rõ sự cần thiết của chính sách phát triển, phát huy, trọng dụng đối với đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. Cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 87 quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Ở trong nước, ngày 25/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99 quy định việc đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Nghị định này, ngoài việc quy định các nội dung đầu tư phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học còn khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học với các chính sách ưu đãi cụ thể.

Với nhiều chính sách cụ thể đã và đang được thực hiện nhưng tại sao người có năng lực vẫn khó vào hoặc vẫn ra đi khỏi khu vực Nhà nước? Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng “đây là câu hỏi khó”!./.