Sau khi trò chơi Pokémon Go có mặt tại Việt Nam, đội ngũ kiểm duyệt bản đồ Google Map Maker Việt Nam đã phải làm việc với tần suất cao hơn. Nguyên nhân là do người chơi tự tạo nên các vị trí mới nhằm tăng số lượng PokeStop - khu vực người chơi nhận các vật phẩm miễn phí nhưng cần thiết, như bóng pokeball, các loại đá hồi phục sức lực cho Pokémon. Vì thế, Google Map Maker Việt Nam đã đăng lời kêu gọi người chơi Pokémon Go hãy dừng việc chỉnh sửa vị trí trên Google Maps để bảo vệ nguồn dữ liệu bản đồ Việt Nam.
Có mặt tại Việt Nam từ ngày 6/8, Pokémon nhanh chóng tạo thành cơn sốt.
Sau khi trở thành cơn sốt game trên thiết bị di động tại nhiều nước trên thế giới, trò chơi Pokémon Go vào Việt Nam đã ngay lập tức tạo thành một làn sóng sôi động trong giới trẻ.
Hấp dẫn và nguy hiểm
Ngay sau bữa cơm tối, anh Nguyễn Minh Đức (Lê Duẩn, Hà Nội) cầm chiếc smartphone, đi bộ ra công viên Thống Nhất, nơi được xem là có thể bắt được nhiều Pokémon. Chỉ trong hơn một ngày đêm, anh Đức bắt được hơn 400 con Pokémon. “Trước đây vào lúc rảnh, tôi hay ngồi quán café hoặc ra quán internet nhưng từ khi có trò chơi mới này tôi thấy đi tìm pokémon vui hơn. Trò này thích hơn ngồi máy tính chơi game bởi người chơi được tương tác giữa thế giới ảo và thực”.
Theo anh Phạm Diệu Anh (Xã Đàn, Hà Nội), nhiều người đã lập nhóm cùng đi bắt hoặc tụ tập tại một địa điểm để chia sẻ kinh nghiệm bắt Pokémon. Do đặc điểm của game Pokémon Go là luôn yêu cầu người chơi phải di chuyển mà Pokémon thường tập trung tại các địa điểm công cộng như công viên, khu vui chơi, các trung tâm thương mại hay khu vực quảng trường, các tòa nhà cao tầng, nhà dân, thậm chí ở giữa đường nên người chơi do mải tìm kiếm dễ mất tập trung khi đi ra ngoài đường, rất nguy hiểm. Nếu không kiểm soát được thời gian, người chơi còn bị nghiện game.
Ở Hà Nội, nhiều phụ huynh đã ca thán khi con em mình rủ nhau đi săn Pokémon đến nửa đêm vẫn chưa về. Tình trạng mất trật tự tại các đền, chùa cũng đã xảy ra. Có thể dễ dàng bắt gặp cảnh nhóm thanh niên đang đi đường bỗng dừng lại để săn Pokémon gây ùn tắc giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường...
Tuy nhiên bên cạnh những hệ lụy đã được cảnh báo, trò chơi có những tác động tích cực nhất định. Anh Ngô Việt Hưng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Cuối tuần vừa rồi cả gia đình tôi vào công viên săn Pokémon Go, cùng vận động vừa tốt cho sức khỏe vừa thắt chặt tình cảm và ai cũng thấy vui. Nhờ trò chơi này, những điểm tham quan trong thành phố sẽ đông vui hơn”.
Nên cấm hay ủng hộ?
Với mọi trò chơi đều có mặt lợi và hại, quan trọng là ý thức của người chơi. Đối với Pokémon Go, người tham gia chơi không chỉ là các học sinh sinh viên mà còn có công chức, thậm chí cả người già - những người đủ nhận thức được mặt lợi và hại của trò chơi. Cách chơi và thái độ của người chơi sẽ quyết định sự lợi hay hại của Pokémon Go.
Đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên kiểm soát và hướng dẫn con em mình chơi đúng cách để trò chơi phát huy tác dụng tốt hơn là tìm cách cấm đoán, dễ làm con chơi lén lút ngoài đường mà không có ai kiểm soát, rất nguy hiểm. Chắc chắn các nhà quản lý sẽ có những cảnh báo để hạn chế người chơi vi phạm các quy định chung về tôn giáo và trật tự công cộng. Khi đó, người chơi sẽ buộc phải điều chỉnh hành vi của mình nếu không muốn xảy ra rủi ro hoặc bị phạt.
Ngoài ra, trò chơi này cũng tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng, Công ty BKAV cho biết, người chơi sẽ phải mở kết nối mạng, GPS, camera trên điện thoại để trò chơi định vị khu vực đang ở và tạo thành bản đồ trong game.
Qua tín hiệu GPS và hình ảnh xung quanh, nhà sản xuất game có thể dựng lại bản đồ thực tế chính xác từ người chơi tham gia bắt Pokémon Go. Nếu người chơi chơi ở những vị trí “nhạy cảm” hay quan trọng, bị cấm quay phim, chụp ảnh thì vô tình những vị trí này sẽ truyền về máy chủ bởi smartphone luôn kết nối mạng. Nếu những dữ liệu này bị sử dụng với mục đích xấu thì khu vực đó hay quốc gia đó sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Bên cạnh đó, việc người chơi vô tình tải game nhái giả mạo về máy sẽ có nguy cơ bị cài phần mềm gián điệp, độc hại./.