Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với Cách mạng, tại Hải Phòng đã có gần 10.000 hồ sơ được giải ngân.

Tuy nhiên, toàn thành phố hiện vẫn còn hơn 7.000 người có công có nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở nhưng chưa nhận được hỗ trợ dù đã hoàn thiện hồ sơ khá lâu.

Từng mảng tường bong tróc, rêu phủ; nhiều đoạn vì, kèo mục gãy phải chống đỡ tạm thời bằng những thanh gỗ ngang dọc, nhưng mái ngói nhà ông Nguyễn Tiến Lên vẫn xô nghiêng, rơi vỡ, phải dùng những mảnh vải bạt che chắn.

vov_nha_1_ofax.jpg
Ngôi nhà gia đình ông Nguyễn Tiến Lên, (thương binh 4/4 ở thôn Hào Lai, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) được xây dựng gần 40 năm trước...

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Nguyễn Tiến Lên, thương binh hạng 4/4, ở thôn Hào Lai, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã ngót 40 năm tuổi.

Năm 2017, ông Nguyễn Tiến Lên được cán bộ xã hướng dẫn xin hỗ trợ xây nhà theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến thời điểm này, gia đình ông vẫn chưa biết hồ sơ có được phê duyệt hay không: "Nhà xuống cấp quá, cũng không thể ở được. Mái nhà, ngày mưa phải lấy vải mưa che đắp, dột nát tứ tung, bao nhiêu cái thau hứng nước. Nếu được hỗ trợ thì gia đình cũng cố gắng vay mượn thêm để làm lại căn nhà".

Ông Phạm Ngọc Ba, 94 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh 2/4 ở phường Văn Đẩu, quận Kiến An (Hải Phòng) cũng đang sống trong căn nhà dột nát do đã được xây từ gần 30 năm trước.

Bà Nguyễn Thị Sim, vợ ông cho biết: Gia đình đang chờ nguồn hỗ trợ và sẽ vay mượn thêm để xây lại căn nhà: "Mưa gió, dột hết xung quanh. Trong bếp cũng dột. Trời mưa phải có ô. Nhà tôi, con cái cũng không hỗ trợ được nhiều".

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hải Phòng, đến hết quý 1 năm nay, thành phố đã thực hiện 2 đợt hỗ trợ gia đình chính sách xây mới, sửa chữa nhà ở theo Quyết định 22 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong số hơn 12.000 hồ sơ đã được xét duyệt, còn khoảng 2.400 hồ sơ chưa được giải ngân, chưa kể hiện có thêm 5.000 hồ sơ vừa được phê duyệt ngày 9/4/2019.

Đây là trường hợp gia đình chính sách khó khăn có nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở phát sinh sau ngày 31/5/2017 (thời điểm phê duyệt danh sách đợt 2 của chương trình).

Một góc trong căn nhà gia đình ông Phạm Ngọc Ba, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh hạng 2/4 ở phường Văn Đẩu, quận Kiến An (Hải Phòng).

Sự chậm trễ trong phê duyệt danh sách và thực hiện hỗ trợ kinh phí giúp người có công xây, sửa nhà ở đã làm nảy sinh nhiều điều đáng tiếc. Một số người có công làm hồ sơ xin hỗ trợ nhà ở nhưng do tuổi cao, bệnh tật... nên đã qua đời khi hồ sơ chưa được duyệt, hoặc đã được duyệt nhưng chưa giải ngân. Một số trường hợp do không được hỗ trợ sửa chữa kịp thời, sau vài năm nhà cửa quá nát phải chuyển sang xây mới, dẫn đến phát sinh kinh phí và phải thay đổi hồ sơ.

Bà Lê Thị Bích Liên, cán bộ văn hóa phường Văn Đẩu, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng cho biết: "Có nhiều đối tượng có ý kiến nộp đơn từ lâu nhưng mãi mới có kinh phí. Nhà xuống cấp, họ đã đi vay mượn để giải quyết nhu cầu trước mắt, sửa chữa nhà cửa, nhưng quá trình đợi lâu, tiền đã đi vay rồi, họ phải nợ công thợ. Nên người dân cũng có bức xúc về chậm trễ hỗ trợ kinh phí sửa nhà theo Quyết định 22".

Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết 32 về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Theo Nghị quyết, cùng với hình thức hỗ trợ bằng tiền theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, các hộ gia đình người có công với cách mạng còn được hỗ trợ gạch và xi măng để xây, sửa nhà.

Chủ trương của Chính phủ và thành phố rất ý nghĩa và kịp thời, nhưng để chủ trương này thực sự phát huy hiệu quả; các sở, ngành và chính quyền cấp cơ sở cần quyết liệt hơn trong thực hiện, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người có công với cách mạng sớm xây dựng, sửa chữa nhà ở, đừng để người có công mòn mỏi đợi chờ!/.