Theo báo cáo ngày 15/5 của Sở Y tế tỉnh Kon Tum, sau khi một số báo mạng đăng thông tin về trường bệnh nhi ở huyện Đăk Tô bị bỏng xăng, mặc dù được các bác sĩ khuyên bảo, các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh nhưng gia đình vẫn cương quyết đưa về nhà khi chưa qua cơn nguy hiểm.

Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô tiếp cận, hỗ trợ gia đình và đưa bệnh nhi trở lại cơ sở y tế để điều trị.

benhnhibibongxang_edpq.png
Bệnh nhi bị bỏng xăng được các bác sĩ đến nhà băng bó lại vết thương. (Ảnh: Trần Hóa)

Trước đó, sáng 13/5, Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô tiếp nhận bệnh nhi A Huyên (nam giới, sinh ngày 29/5/2010), dân tộc Xơ Đăng, trú tại thôn Đăk Kang Pêng, Xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Bệnh nhi bị bỏng xăng đã lâu được điều trị và ghép da tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, sau đó gia đình đưa bệnh nhân về nhà trong tình trạng sức khỏe chưa ổn định.

Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô đã cử bác sĩ, điều dưỡng và xe ô tô cấp cứu xuống tận nhà khám, chăm sóc, động viên người nhà đồng ý cho cháu vào viện để tiếp tục điều trị vết bỏng. Hiện tại bệnh nhi đã nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, qua thăm khám của bác sĩ dấu hiệu sinh tồn tương đối ổn định. Bệnh nhi tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thể trạng gầy, da niêm mạc nhợt nhạt, bỏng toàn thân đã ghép da. Nhiều mảng da đã ghép ở phần lưng, ngực, bụng, 2 chi dưới nhiễm trùng, rỉ dịch thấm băng, có mùi hôi.

Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô sẽ tiếp tục theo dõi, điều trị, chăm sóc với điều kiện tốt nhất trong tình trạng chăm sóc người bệnh cấp I. Trường hợp bệnh diễn biến nặng, Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô sẽ báo cáo ngay về Sở Y tế để điều động Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ hoặc chuyển viện lên tuyến trên kịp thời./.

Bác sĩ cảnh báo gì khi bị bỏng?

VOV.VN -Các bác sĩ cho biết, những kinh nghiệm dân gian như chườm đá, thoa kem đánh răng, bôi nước mắm...khi bị bỏng sẽ tiềm ẩn không ít nguy cơ.