Gần đây, nhiều vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Công ty cho thuê Tài chính 2 (ALC II) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam… bị phanh phui. Trong đó, việc đưa ra xét xử một cách nghiêm minh các cá nhân gây ra những sai phạm tại Công ty cho thuê Tài chính 2 khiến người dân thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng nhiều vào hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh.

Không thể phủ nhận rằng, gần đây, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ngày càng có nhiều dịch vụ hướng đến người tiêu dùng. Thế nhưng, khi tiếp cận với dịch vụ của các doanh nghiệp này, trong đó có dịch vụ của các công ty cho thuê tài chính, các cá nhân, tổ chức thực sự có nhu cầu phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu chặt chẽ. Đáng tiếc thay, đó chỉ là kiểu “gác người ngay”, còn kẻ gian vẫn có hàng trăm, hàng ngàn cách để “rút ruột” tiền của nhà nước. Tại Công ty cho thuê Tài chính 2 cũng vậy, khi những sai phạm được đem ra ánh sáng, mới thấy rõ rằng, cả một guồng máy từ Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc cho đến Trưởng phòng Cho thuê, Phó trưởng phòng Kế toán… bắt tay nhau để sai phạm, để qua mặt cơ quan chức năng. Điều này khiến lòng tin của người dân đối với các công ty cho thuê tài chính bị giảm sút nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Thành Luân ở phường An Lạc, quận Bình Tân nói: “Tôi mong muốn Nhà nước có những chính sách, quy định để kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động cho thuê tài chính. Vì đây chỉ là một vụ án được phát hiện, còn nhiều công ty khác đang hoạt động ở các thành phố lớn của Việt Nam hiện nay về cho thuê tài chính thì người dân chúng tôi có quyền đặt câu hỏi: liệu rằng những vi phạm nghiêm trọng như thế này, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… còn có ở những công ty nào không?”

Những kẽ hở trong các quy định về tài chính, sự thiếu kiểm tra giám sát và sự bất chấp nguyên tắc, bất chấp thủ đoạn, bất chấp mức độ thiệt hại gây ra cho nhà nước, để đem tiền về túi riêng của mình đã dẫn đến những sai phạm nối tiếp nhau ở Công ty cho thuê tài chính 2.

Người dân bất bình khi không chỉ có 1-2 hợp đồng mà đến 10 hợp đồng cho thuê tài chính lớn của công ty này sai phạm. Sai phạm cũng không chỉ nằm ở riêng khâu nào mà là ở tất cả các khâu, từ tiếp nhận, thẩm tra đến xét duyệt. Nguy hiểm hơn, tất cả các hợp đồng này đều do một nhóm người có chức vụ, thẩm quyền ở trong và ngoài Công ty cho thuê tài chính 2 “vẽ ra”. Lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đã khiến nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Sai phạm đó phải được xử lý thật nghiêm minh.

Ông Võ Thanh Nghị ở phường 10, quận Tân Bình cho rằng: “Những người đứng đầu ở Công ty cho thuê tài chính 2 đã móc nối với nhau để chiếm đoạt hàng chục, hàng trăm tỷ, đem lại lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Rõ ràng đây là hành vi tham nhũng nghiêm trọng, với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Đó cũng là thách thức lớn đối với quản lý nhà nước. Tôi thấy tòa xử là thích đáng. Làm như thế để răn đe và cũng là đề phòng, cảnh giác cho những sự việc nối tiếp sau”.

Dư luận trong giới tài chính - ngân hàng cũng bất bình trước những sai phạm này. Nhiều người cho rằng rất dễ để thấy được những sai phạm, những thủ đoạn luồn lách tương tự như vậy trong lĩnh vực cho thuê tài chính. Vì quy tụ lại, chỉ có hai loại sai phạm chủ yếu là: duyệt cho thuê tài chính đối với hợp đồng khống hoặc hợp đồng kê khai vượt quá giá trị thực. Nhưng ở Công ty cho thuê tài chính 2, do có chủ trương, do cố tình sai phạm từ trên xuống dưới và các đơn vị thanh tra trong lĩnh vực này chưa làm hết trách nhiệm nên đến bây giờ sự việc mới được đưa ra ánh sáng.

Tiến sỹ Phạm Văn Thuyết, nguyên là Chuyên viên của Ngân hàng Thế giới cho biết: Ở các nước, công ty cho thuê tài chính thường phải thuê một công ty bảo hiểm quốc tế - họ sẽ coi lại phần máy móc đưa đến xin thuê tài chính. Riêng vấn đề Công ty cho thuê tài chính 2 có thể coi là một dấu hiệu nhỏ, đơn lẻ về chống tham nhũng. Điều ta có thể hy vọng nhìn thấy là khung pháp lý của Việt Nam, luật lệ và sự thi hành luật lệ nghiêm minh hơn. Lúc đó mới có thể nói là Chính phủ quyết tâm chống tham nhũng.

Nước ta đang hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu, lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng vậy. Cho nên, việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực này là rất cần thiết, góp phần xây dựng một nền tài chính lành mạnh. Vụ xét xử sai phạm của Công ty cho thuê Tài chính 2 với 2 án tử hình đã tuyên được dư luận coi là dấu hiệu tích cực của công tác đấu tranh chống tham nhũng./.