Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra chiều 2/8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới thành hai đợt. 

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo an toàn cho kỳ thi, có phương án chặt chẽ với địa phương cách ly. 

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đến nay, công tác chuẩn bị kỳ thi đã sẵn sàng, từ ban hành quy chế, giao đề thi về các địa phương đến công tác tổ chức tập huấn, giám sát, coi thi đã được triển khai. Lãnh đạo các địa phương cũng đã thành lập các Ban chỉ đạo và Hội đồng thi. Mọi việc đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Tuy nhiên trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, hai địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam có đề nghị trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, dừng thi để tổ chức thi muộn hơn, trường hợp dịch kéo dài thì có thể xin đặc cách xét tốt nghiệp.

b9f37c0f5dc1a19ff8d0_159626_rtlo.jpg

Học sinh nhận giấy báo dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Đà Nẵng. (ảnh: Tuổi Trẻ)

Sau khi đã cân nhắc các phương án, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quan điểm là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT làm hai đợt. Đợt 1: những tỉnh, thành không nằm trong diện nguy cơ cao thì thực hiện thi theo kế hoạch. Đợt hai: những địa phương nguy cơ cao, như Đà Nẵng, Quảng Nam thì tổ chức thi đợt sau. Những học sinh có nguy cơ mắc Covid-19 (thuộc diện F1, F2) chưa thể thi đợt 1 thì thi cùng đợt với các tỉnh có nguy cơ cao.

Sau khi nghe thông tin về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt, chị Đặng Thị Hòa (ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) phụ huynh học sinh lớp 12 trường THPT Tôn Thất Tùng cho rằng, nếu hết dịch mới cho học sinh thi thì an toàn hơn, phụ huynh an tâm hơn. Dịch vẫn còn mà vẫn tổ chức thi thì phụ huynh không yên tâm. 

Một giáo viên chủ nhiệm lớp 12 ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam băn khoăn, nếu  tổ chức thi theo 2 phương án thì học sinh ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng sẽ đăng ký vào các trường Đại học ra sao, có muộn so với cả nước hay không, rồi đề thi riêng cho địa phương thi sau có công bằng với đợt thi trước hay không. Vì vậy giáo viên này cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xét đặc cách tốt nghiệp THPT đối với cùng dịch. Còn các trường Đại học, Cao đẳng sẽ tự quyết việc tuyển đầu vào của trường học bằng phương án xét tuyển hay thi tuyển.

"Phương án như Đà Nẵng đề xuất là phù hợp nhất, thuận lợi cho cả phụ huynh và học sinh. Bởi vì thi tốt nghiệp chỉ có tính chất tốt nghiệp, còn vào Đại học thì các trường sẽ tự chủ. Họ có thể tổ chức thi hoặc xét học bạ, nếu thi thì muộn hơn vào tháng 9" - giáo viên cho biết.

Ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng hoan nghênh việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2 đợt. Ông Hoa cho biết, khi ra đề thi bao giờ cũng có 2 bộ đề. Những địa phương thi sau sẽ thi bộ đề dự bị. Theo ông Hoa, bộ đề thi này cũng có độ khó dễ tương tự bộ đề thi chính thức nên không ngại việc mất công bằng giữa các địa phương thi trước và thi sau.

"Thi làm 2 đợt thì đảm bảo được yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo được tâm lý của phụ huynh, học sinh, của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, sự ủng hộ của xã hội. Đề thi dự bị, về nguyên tắc của quy chế, khi soạn ra có độ khó dễ tương tự bộ đề thi chính thức" - ông Huỳnh Văn Hoa cho biết./.